Phú Yên: Triển khai các giải pháp quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản (23-03-2018)

Để bảo đảm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Phú Yên vừa có Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện: Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu khẩn trương triển khai các giải pháp quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Phú Yên: Triển khai các giải pháp quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản
Ảnh minh họa

Theo đó, các giải pháp cấp bách, UBND tỉnh yêu cầu cần thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản (NTTS), ban hành quy định quản lý lồng, bè NTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ, theo pháp luật về điều kiện đăng ký cơ sở NTTS, giao, cho thuê mặt nước, quản lý mật độ thả nuôi, bảo vệ môi trường. Các địa phương nghiêm túc triển khai quy hoạch chi tiết các vùng NTTS tập trung, quản lý vùng nuôi theo quy hoạch về đối tượng, phương thức nuôi. Thực hiện đúng quy định về đăng ký và kê khai ban đầu cho các cơ sở NTTS ao đìa, lồng, bè để quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chủ trì, phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất các hộ kinh doanh giống thủy sản, vật tư đầu vào, nhất là các hộ kinh doanh tôm hùm giống nhập khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định hiện hành. UBND cấp huyện, xã quản lý các hộ nuôi nuôi trồng theo đúng vùng quy hoạch, chỉ cho phép nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với vùng nuôi, cơ sở nuôi có hệ thống xử lý nước thải, chất thải phù hợp theo quy định; tổ chức thu gom chất thải rắn từ hoạt động NTTS ven bờ và lồng bè; các hộ nuôi phải cam kết không xả thải ra kênh mương, đầm vịnh; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các các cơ sở NTTS nhỏ lẻ vi phạm quy định.

Về việc sắp xếp, giao, cho thuê mặt nước các vùng NTTS lồng, bè trên đầm, vịnh, đối với vùng đã có quy hoạch chi tiết, UBND cấp huyện triển khai mốc giới ngoài thực địa, trên cơ sở đó giao, cho thuê đất, mặt nước NTTS cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định. Đối với vùng chưa có quy hoạch chi tiết, trong khi chờ quy hoạch chi tiết được lập và phê duyệt, căn cứ quy hoạch tổng thể được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện triển khai cắm mốc giới phân vùng, phân khu, tiểu khu nuôi ngoài thực địa để giao hoặc cho thuê mặt nước NTTS cho tổ chức cộng đồng, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Về các giải pháp lâu dài, bền vững, đối với quản lý nhà nước về hoạt động NTTS, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT, UBND cấp huyện, cấp xã và các sở, ngành liên quan, các hội đoàn thể tổ chức thực hiện quy hoạch phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý nhà nước về hoạt động NTTS; tăng cường quản lý nguồn giống và vật tư đầu vào; tăng cường quản lý môi trường và phòng chống dịch bệnh; Nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các công nghệ mới an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh cho vùng nuôi ven bờ; đầm, vịnh; thử nghiệm mô hình NTTS tại các vùng biển xa bờ để giảm áp lực môi trường vùng ven bờ, góp phần duy trì và phát triển sinh kế cho các cộng đồng ngư dân chủ yếu sống dựa vào NTTS. Bên cạnh đó, cũng cần quản lý vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng lực bộ máy quản lý NTTS từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành; giữa ngành với chính quyền địa phương trong quản lý NTTS. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu địa phương, các sở, ngành và các hội đoàn thể, mặt trận các cấp cần có đề xuất, xây dựng được phương án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nhiều cơ hội việc làm, đảm bảo mưu sinh, có cơ chế khuyến khích chuyển đổi nghề cho các hộ nuôi trồng thủy sản nhất là những ngành nghề gắn với du lịch, dịch vụ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác