Biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số dẫn đến nghề nuôi hải sản ở vùng biển mở (12-10-2017)

Một phân tích mới cho thấy việc nuôi hải sản ở vùng biển mở cho ba loài cá có vảy là một lựa chọn khả thi cho việc mở rộng ngành công nghiệp nuôi trồng hải sản theo các kịch bản biến đổi khí hậu - một lựa chọn có thể cung cấp một nguồn protein mới cho dân số thế giới đang gia tăng.
Biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số dẫn đến nghề nuôi hải sản ở vùng biển mở
Ảnh minh họa

Nghiên cứu mô hình này cho thấy sự ấm lên của vùng nước mặt gần bờ sẽ thay đổi phạm vi cư trú của nhiều loài sang vùng vĩ độ cao hơn - nơi mà chúng sẽ có tốc độ phát triển tốt hơn – nhưng thậm chí ở các khu vực sẽ ấm lên đáng kể, thì nuôi trồng hải sản vùng biển mở có thể tồn tại do có các kỹ thuật thích ứng như nhân giống chọn lọc. Các kết quả của nghiên cứu này được đăng trên Proceedings of the Royal Society B.

James Watson, nhà khoa học môi trường thuộc Đại học bang Oregon và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nuôi trồng hải sản vùng biển mở vẫn là một ngành công nghiệp non trẻ và hầu hết không được kiểm soát mà không cần thiết phải phù hợp về môi trường, nhưng nuôi trồng hải sản cũng là một ngành thực phẩm phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Một bước quan trọng trước khi phát triển một ngành công nghiệp như vậy là phải đánh giá xem các hoạt động này có thành công hay không trong điều kiện nhiệt độ nước biển ấm lên.”

“Nhìn chung, tất cả 3 loài mà chúng tôi đánh giá – các loài này đại diện cho các khu vực nhiệt khác nhau trên toàn cầu – sẽ phản ứng tốt với biến đổi khí hậu.”

Các tác giả của nghiên cứu này cho biết, nuôi trồng thủy sản cung cấp nguồn protein chính cho gần một tỷ người trên toàn thế giới và dự kiến sẽ trở nên quan trọng hơn trong tương lai. Tuy nhiên, các hoạt động trên đất liền cũng như ở vịnh và cửa sông đã làm hạn chế tiềm năng mở rộng do thiếu nước hoặc không gian phù hợp.

Mặc dù có tên là nuôi hải sản vùng biển mở, nhưng các hoạt động này thường nằm trong phạm vi cách đất liền vài dặm – đủ gần để vận chuyển sản phẩm đến thị trường tiêu thụ để giảm chi phí, nhưng đủ xa để có nước sạch và ít cạnh tranh về không gian. Tuy nhiên, các nhà quản lý nuôi trồng thủy sản ít kiểm soát các vấn đề về dòng chảy, nhiệt độ nước và sóng.

Để đánh giá phạm vi khả thi cho nuôi trồng hải sản, các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến 3 loài cá - Cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) phát triển nhanh nhất ở các vùng biển cận cực và ôn đới; cá tráp vàng (Sparus aurata) được tìm thấy ở vùng biển ôn đới và cận nhiệt đới; và cá giò (cá bóp) (Rachycentron canadum) ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Dane Klinger, cựu cán bộ nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Princeton, và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng cả ba loài này sẽ chuyển hướng xa vùng nhiệt đới, hầu hết các mô hình đều cho rằng vùng nhiệt đới sẽ nóng hơn các vùng khác. Ví dụ, sản xuất cá hồi Đại Tây Dương có thể phát triển tốt ở các vùng vĩ độ cao hơn và mặc dù phần sườn của dải khu vực này có thể gặp khó khăn, thì các kỹ thuật thích ứng có thể bù đắp những khó khăn đó. Hơn nữa, ở hầu hết các khu vực mà 3 loài này đang được nuôi, tốc độ tăng trưởng của chúng có thể tăng khi nhiệt độ tăng.” 

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng nuôi hải sản vùng biển mở không phải là không có rủi ro. Việc bỏ nuôi cá hồi Đại Tây Dương gần đây ở Puget Sound Washington đã khiến các nhà quản lý thủy sản lo sợ, e ngại rằng loài cá này có thể lai tạo với cá hồi Chinook tự nhiên hoặc cá hồi coho được tìm thấy ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Các  quần thể và các loài du nhập cũng có khả năng gây bệnh cho các loài bản địa.

“Một câu hỏi then chốt chưa được giải quyết là ngành công nghiệp nuôi hải sản và các trang trại nuôi tư nhân có thể trở nên rộng lớn như thế nào trước khi chúng bắt đầu có tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái xung quanh”, Tiến sĩ Klinger nói.

Các tác giả cho biết nghiên cứu xây dựng mô hình của họ đã được thiết kế để đánh giá tốc độ trăng trưởng tiềm năng và phạm vi tiềm năng cho 3 loài cá này, dựa trên kịch bản nhiệt độ ấm lên từ 2 - 5 độ C (hoặc 3,6 – 9 độ F).

Nghiên cứu còn cho thấy:

  • Cá tráp sẽ có tiềm năng lớn nhất về diện tích nuôi ở vùng biển mở, nhưng loài này sẽ phát triển ở tốc độ chậm hơn so với cá hồi và cá giò;
  • Cá giò (cá bóp) có tiềm năng tăng trưởng lớn thứ hai, dẫn đầu là cá hồi;
  • Đối với cả 3 loài cá này, độ sâu của vùng nuôi là hạn chế lớn nhất để phát triển, tiếp đến là cần có dòng chảy phù hợp;
  • Các yếu tố khác góp phần cho sự thành công bao gồm môi trường, kinh tế (thức ăn, nhiên liệu và lao động), các quy định và chính sách, sinh thái (bệnh, động vật ăn thịt, hiện tưởng tảo nở hoa), và các quy tắc xã hội.

Ông Watson cho biết: “Trong thời gian tới, nuôi hải sản xa bờ sẽ tiếp tục là một mảng nhỏ của nền công nghiệp, nhưng có nhiều mảng bạn có thể làm trên đất liền và sẽ không đủ cá tự nhiên để cung cấp cho dân số thế giới. Đánh giá tiềm năng của hoạt động nuôi hải sản xa bờ, vùng biển mở là bước đầu tiên hướng tới giảm thiểu một số sự bấp bênh cho tương lai”.

Vũ Hậu (theo Sciencedaily)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác