Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở Phú Yên (18-08-2017)

Ngày 16/8, tại Thành phố Tuy Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND Phú Yên đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở Phú Yên”. Ông Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo;
Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở Phú Yên
Ảnh minh họa

Tham dự Hội thảo có đại diện Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung; Lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công Nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa; lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế; Lãnh đạo UBND xã, phường; cán bộ phụ trách NTTS, thú y có nuôi xã, phường có nuôi tôm hùm và hơn 40 ngư dân nuôi tôm hùm, Tổ đồng quản lý; Đại diện Hồi nghề cá tỉnh Phú Yên; Ban vận động Hội nuôi tôm hùm tỉnh phú Yên.

Hội thảo đã bàn về các nội dung (i) Hiện trạng nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên, những khó khăn và các giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên; (ii) Những vấn đề khoa học cần giải quyết để phát triển tốt hơn vùng nuôi tôm hùm và (iii) Hiện trạng công tác quy hoạch và quản lý phát triển NTTS và tôm hùm.

Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến thảo luận ông Hoàng Văn Trà kết luận: Tôm hùm là đối tượng có giá trị của tỉnh Phú Yên, tuy nhiên nuôi tôm hùm đã và đang vượt qua khả năng về môi trường cũng như kỹ thuật nuôi tôm hùm hiện nay. Công tác quản lý nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên còn rất nhiều hạn chế về Quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch các vùng nuôi, cơ chế chính sách về nhân lực, tài lực để thực hiện công tác quản lý nhà nước, hạn chế trong quản lý nguồn giống…

         Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của cộng đồng người nuôi tôm hùm cũng là yếu tố hạn chế, có tác động không nhỏ đến sự phát triển của nghề nuôi tôm hùm. Sự phát triển lồng, bè nuôi tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ các quy định về mật độ nuôi, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh của người dân chính là những nguyên nhân chủ quan gây hiện tượng tôm nuôi bị bệnh, chết từ rải rác đến hàng loạt trong thời gian gần đây.

Trong thời gian đến để có thể khắc phục được những tồn tại, hạn chế trên cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Tỉnh đến cơ sở và sự chỉ đạo, định hướng của các cơ quan Trung ương.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Trà đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất phương án, tổ chức bộ máy thực hiện và giám sát quy hoạch, tham mưu về cơ chế chính sách cho những người tham gia quy hoạch, chế tài xử lý vi phạm quy hoạch…; Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, UBND thị xã Sông Cầu thực hiện lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm Vịnh Xuân Đài phù hợp với qui hoạch du lịch Quốc gia vịnh Xuân Đài.Trên cơ sở quy hoạch chi tiết, phối hợp với UBND huyện, thị xã có nuôi tôm hùm tham mưu, trình UBND Tỉnh thành lập Ban quản lý nuôi trồng thủy sản trên đầm, vịnh. Giao trách nhiệm quản lý số lượng đóng mới lồng bè nuôi tôm hùm cho chính quyền địa phương.

Thực hiện kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm hùm giống nhập từ nước ngoài, từ tỉnh khác; hướng dẫn các cơ sở mua bán tôm hùm giống có nguồn gốc từ nước ngoài thực hiện thực hiện kiểm dịch, nuôi cách lý đúng theo qui định; xử lý nghiêm các trường hợp có biểu hiện né tránh.

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Viện, Trường… tìm kiếm các doanh nghiệp thực hiện việc nghiên cứu sản xuất thức ăn viên, thức ăn chế biến thay thế thức ăn là các tạp hiện nay để hạn chế tình trạng ô nhiễm vùng nuôi.

Đưa các qui định về thu gom thức ăn thừa, rác thải từ các hoạt động NTTS trên đầm vịnh vào qui định về quản lý nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển.

Nghiên cứu, trình UBND tỉnh thực hiện xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường tự động. Trước mắt sử dụng vốn ngân sách Tỉnh sau đó tiến đến xã hội hóa.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương trình tự, thủ tục thực hiện việc giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho các các nhân nuôi trồng thủy sản trên đầm, vịnh … theo qui định, tiến tới hướng hoạt động nuôi trồng thủy sản ra biển hở; Rà soát đánh giá tổng thể nguồn chất thải các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ và trên đầm, vịnh. Trên cơ sở đó thực hiện việc thu phí, lệ phí tài nguyên, môi trường theo qui định.

Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học công nghệ nghiên cứu, sản xuất thức ăn viên cho tôm hùm; xây dựng các mô hình nuôi tôm hùm vùng biển hở xa bờ; nuôi tôm hùm trên bờ.

UBND các huyện, thị xã có nuôi tôm hùm chủ trì, phối hợp Sở tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện giao hoặc cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản trên đầm vịnh theo qui định.

Thực hiện kiểm tra, kiểm soát số lượng lồng, bè nuôi; Tổ chức thực hiện kê khai số lượng lồng bè nuôi; thống kê, đánh giá và báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản trên đầm vịnh và trên đất liền ven bờ.

Cũng tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú yên đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Cục Thú y xây dựng phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình dịch bệnh trên tôm hùm hiện nay.

Đặt hàng cho các Viện, trường, các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất, thức ăn công nghiệp, nghiên cứu ứng dụng mô hình nuôi mới có hiệu quả nhưng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Sớm ban hành các tiêu chuẩn/Qui chuẩn kỹ thuật về nuôi tôm hùm/ thủy sản lồng bè  thay thế Quyết định 2383/QĐ-BNN về Quy định tạm thời về nuôi tôm hùm lồng.

Nghiên cứu, khảo sát mở rộng thị trường xuất khẩu tôm hùm, hạn chế sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc, giúp địa phương định hướng đúng để chỉ đạo sản xuất.

Tuyết Hạnh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác