Phú Yên: Giải pháp hiện thực hóa mục tiêu sản xuất ngành tôm đạt 100 triệu USD đến năm 2025 (15-08-2017)

Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch hành động phát triển ngành tôm Phú Yên đến năm 2025, theo đó, mục tiêu đến năm 2025 đưa giá trị sản xuất tôm đạt 100 triệu USD.
Phú Yên: Giải pháp hiện thực hóa mục tiêu sản xuất ngành tôm đạt 100 triệu USD đến năm 2025
Ảnh minh họa

Với mục tiêu phát triển ngành tôm Phú Yên trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà.

Cụ thể đến năm 2020, giá trị sản xuất tôm trên toàn tỉnh đạt trên 70 triệu USD; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tôm bình quân trong giai đoạn đạt 3,13%/năm. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 1.943 ha, tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 9.950 tấn.

Giai đoạn 2021 – 2025: Ngành công nghiệp sản xuất tôm công nghệ cao và nuôi quảng canh quy mô lớn được hình thành và tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đưa tổng giá trị sản xuất tôm đạt 100 triệu USD; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tôm bình quân giai đoạn đạt trên 3,61%/năm. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 1.943 ha, Tổng sản lượng tôm nước lợ nuôi đạt 11.250 tấn.

Đối với diện tích sản xuất giống thủy sản, phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất giống đạt 55,2 ha, với sản lượng đạt 6,0 tỷ tôm giống nước lợ. Số lồng ương tôm hùm giống 18.000 lồng, sản lượng 2.000.000 con.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Phú Yên đã đưa ra một số giải pháp đồng bộ như: công tác quản lý quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, chính sách đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành tôm.

Trong đó, đối với công tác quy hoạch cần rà soát lại quy hoạch, đầu tư nâng cấp hạ tầng thuỷ lợi và giao thông đầu mối, nguồn điện 3 pha tại các vùng sản xuất tôm công nghiệp, tập trung. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết giá trị trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

Đánh số vùng nuôi tôm, lồng bè nuôi tôm hùm để phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu chứng nhận GAP, BAP, sinh thái, hữu cơ ... để nâng cao giá trị sản phẩm tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất tôm giống, đảm bảo cung ứng đủ giống sạch bệnh, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và xuất các tỉnh bạn; hoàn thiện công nghệ để chủ động sản xuất thức ăn trong nước phục vụ nuôi tôm; các biện pháp kiểm soát môi trường và dịch bệnh, xử lý chất thải trong ngành tôm.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến vào các vùng sản xuất tôm công nghệ cao và cả vùng tôm quảng canh sinh thái. Thay thế dần chất xử lý cải tạo môi trường từ hóa chất sang chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm để tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và cung cấp nguồn nguyên liệu lớn, tập trung cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Tổ chức phát triển trung tâm giao dịch, minh bạch hóa thị trường cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm tôm. Tuyên truyền, phổ biến các quy định trong các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như nội luật có liên quan tại thị trường nhập khẩu đến các doanh nghiệp, người sản xuất tôm để định hướng xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm phù hợp. Đồng thời, cập nhật thông tin thị trường, giá cả, đấu tranh, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý, không để bị động về thị trường.

Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất tôm để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung đào tạo cán bộ chuyên môn cao, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý ngành tôm; xã hội hóa trong việc đào tạo lực lượng lao động trực tiếp trong ngành tôm, hướng tới đào tạo có địa chỉ, theo nhu cầu thị trường. Tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, mô hình trình diễn trong sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm để người sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới.        

Văn Thọ

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác