Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản (04-08-2017)

Chiều 2/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020.
Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Ảnh minh họa

Trong những năm qua, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã và đang làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật và gây nên những hệ lụy đáng ngại như tồn dư kháng sinh cao trên sản phẩm. Việc chữa trị một số bệnh cho vật nuôi ngày càng khó khăn hơn do tình trạng “nhờn” kháng sinh. Bên cạnh đó, việc nhiều loại kháng sinh đang dùng chung cho cả y tế và thú y bị lạm dụng trong chăn nuôi và thủy sản cũng tạo nguy cơ góp phần làm tình trạng kháng thuốc trong y tế ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. Do vậy, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần giảm thiểu các nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng liên quan tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia có 5 mục tiêu cụ thể bao gồm: Rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan đến kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; Nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ về sự hình thành kháng kháng sinh cho cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, cho nông dân và người tiêu dùng; Thực hiện các thực hành tốt trong khám chữa bệnh, thực hành tốt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực hành tốt trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Giám sát sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.

Để triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp không chỉ giữa các đơn vị trực thuộc Bộ mà còn sự phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp tiếp tục tham mưu đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung ban hành các luật thế hệ mới, trong đó có Luật Thú y, Luật Thủy sản và Luật Chăn nuôi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã xây dựng sửa đổi, bổ sung Nghị định 39 trình Chính phủ ban hành về quản lý thức ăn chăn nuôi. Theo đó, hàng loạt các quy định thắt chặt về quản lí, sử dụng kháng sinh đã được ban hành như: Không được phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản; chỉ được phép lưu hành thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm có kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng tới hết năm 2017; thức ăn chăn nuôi có kháng sinh với mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non chỉ được phép lưu hành hết năm 2020,…  

Đặc biệt, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát danh mục các thuốc kháng sinh dùng cho người và động vật, trong đó, chia ra nhóm kháng sinh chỉ dùng cho người và nhóm kháng sinh chỉ dùng riêng cho động vật, hạn chế nhóm kháng sinh vừa dùng cho người và động vật nhằm đảm bảo khắc phục việc kháng kháng sinh.

Giáng Hương

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác