Sản lượng tôm ở các vùng sản xuất chủ chốt tăng, giá cả tương đối ổn định (21-07-2017)

Theo nguồn tin của Undercurrent News, sản lượng thu hoạch tôm ở các vùng sản xuất chủ yếu nhìn chung tăng lên trong năm nay, điều này có thể bù đắp các vấn đề sản lượng ở Trung Quốc và đáp ứng nhu cầu nhập khẩu “khối lượng lớn” của nước này.
Sản lượng tôm ở các vùng sản xuất chủ chốt tăng, giá cả tương đối ổn định
Ảnh minh họa

Tại hội thảo tôm ở Hội nghị Thị trường Thủy sản Thế giới tổ chức ở Mỹ vào tháng 1, dự báo sản lượng tôm của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017, với sự tăng trưởng chậm trong tổng sản lượng tôm toàn cầu.

Theo hội thảo tôm này, hội thảo đưa ra một dự báo thấp hơn mức dự báo trong Hội nghị Triển vọng Toàn cầu về Nuôi trồng Thuỷ sản (GOAL) năm 2016 tổ chức vào tháng 9/2016, tổng sản lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 1% trong năm 2017 lên khoảng 2,8 triệu tấn. Dữ liệu trình bày tại GOAL đã dự báo một kịch bản tăng với sản lượng kỷ lục vào năm 2017 và sản lượng tôm sẽ tăng hơn nữa trong năm 2018.

Theo ông Jim Gulkin, Giám đốc điều hành và là người sáng lập tập đoàn Siam Canada, có trụ sở tại Bangkok, sản lượng tôm của cả Việt Nam và Thái Lan hiện đang tăng lên, trong khi giá tôm của Inđônêxia cũng đang ở mức cạnh tranh.

Ông cho biết sản lượng tôm của Thái Lan có thể tăng 10% so với năm 2016, mặc dù sản lượng thấp hơn dự đoán hồi đầu năm.

Một nguồn tin khác ở Thái Lan cho biết: “Trong nửa đầu năm 2017, sản lượng tôm Thái Lan giảm nhẹ. Nhưng lượng tôm thả nuôi nhiều trong vài tháng qua. Thái Lan có thể đạt được con số dự báo. Nhưng nếu không tăng 10%, sản lượng vẫn có thể tăng lên một chút”.

Ông Gulkin cho biết tại Việt Nam, mặc dù nước này vẫn cần nhập khẩu từ Ấn Độ và các nước châu Á khác, nhưng sản lượng cũng “cao hơn năm 2016”. Trong khi đó ở Inđônêxia, mặc dù đất nước này vẫn đang phải vật lộn với dịch bệnh, giá cả “cạnh tranh so với các nước châu Á khác”.

Nguồn tin thứ hai của Thái Lan cho biết: “Inđônêxia đang mở rộng nhiều diện tích nuôi tôm mới. Vì vậy, những khu vực mới này sẽ tạo nên sự tăng trưởng của Inđônêxia”.

Ông Gulkin cho biết: Tại Ấn Độ, nơi mà trong 18 tháng qua, Hoa Kỳ đã tăng nhập khẩu tôm của nước này so với các khu vực khác – sản lượng tôm thu hoạch cũng đang cao. Trong những tuần gần đây, giá tôm tại trang trại của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, do sản lượng thu hoạch đạt mức cao đỉnh điểm.

Trong khi đó, ở Ecuador - nước sản xuất tôm lớn nhất Nam Mỹ - sản lượng tôm năm nay dự kiến ​​sẽ tăng 10%, mức tăng tương tự như ở Thái Lan.

Sản lượng tôm ổn định đến tăng ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Ecuador diễn ra khi xảy ra những vấn đề với vụ thu hoạch tôm của Trung Quốc. Ông Gulkin cho biết: “Vụ tôm đầu tiên hầu như không thành công. Tôi không chắc chắn vụ tôm thứ hai sẽ như thế nào. Có vẻ như Trung Quốc không thể giải quyết được các vấn đề về nuôi tôm của họ”.

Theo báo cáo của Undercurrent, tháng trước, giá tôm trang trại ở Nam Trung Quốc cao hơn 10-15% so với cùng kỳ năm 2016, sau khi khu vực chịu sự ảnh hưởng bởi sự bùng phát dịch bệnh tôm.

Nhu cầu cao hơn năm ngoái

Ông Gulkin cho biết sự ổn định tương đối của sản lượng tôm ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Ecuador diễn ra khi nhu cầu tôm của Mỹ gia tăng, trong khi doanh số bán hàng tại châu Âu cũng tăng. “Việc Mỹ nhập khẩu tôm với số lượng lớn hiện đang diễn ra trong 3-4 tuần. Thị trường Hoa Kỳ có vẻ sôi động – dự báo sự tiêu thụ tốt”.

Ông cho biết nhu cầu châu Âu cũng “tốt hơn năm ngoái”.

Nguồn tin khác của Thái Lan cho rằng Trung Quốc đang trả giá tôm cao hơn người mua Mỹ trên thị trường.

Về lâu dài, nguồn tin của Thái Lan cho rằng sản lượng toàn cầu sẽ không thể cân bằng được sự giảm sản lượng tôm của Trung Quốc và nhu cầu ngày càng tăng của nước này.

Khối lượng thương mại, giá bán buôn

Nhập khẩu tôm toàn cầu gần đây vẫn có vẻ ổn định. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), khối lượng nhập khẩu tôm toàn cầu trong quý I năm 2017 đã đạt cùng mức so với cùng kỳ năm 2016, trong khi giá nhập khẩu chỉ cao hơn chút ít.

ITC cho biết các nước đã nhập khẩu tôm giảm 0,34% (mã HS 030617) trong quý I/2017 so với quý I/2016. Tuy nhiên, điều quan trọng là những số liệu này không bao gồm tôm nhập khẩu của Trung Quốc và Việt Nam, do dữ liệu chưa đầy đủ, và cũng không tính nhập khẩu tôm nước lạnh.

Theo ITC, trong khi nhập khẩu tôm không đổi, giá trị nhập khẩu tôm đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một lần nữa, con số này không bao gồm tôm nhập khẩu của Việt Nam, Trung Quốc, và nhập khẩu tôm nước lạnh.

Giá trị nhập khẩu tăng nhẹ phản ánh sự gia tăng tương tự của giá tôm bán buôn ở Mỹ.

Theo bảng giá của Undercurrent, so với cùng kỳ năm ngoái, trong tuần 27, giá tôm bán buôn ở Mỹ tăng 1-6% đối với tôm bỏ đầu và vẫn còn vỏ của Inđônêxia, Ấn Độ và Thái Lan (HLSO).

Trong tuần 27, tôm HLSO của Thái Lan với loại tôm 26/30 con/kg là 4,7 USD/kg (tăng 5.6% so với cùng kỳ năm ngoái); Tôm HSO của Inđônêxia loại 26/30 con/kg là 4,65 USD/kg (tăng 4.5%); và tôm của Ấn Độ loại 26/30 con/kg là 4,70 USD/kg (tăng 1%).

HNN (Theo undercurrentnews)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác