Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại các tỉnh miền Trung (05-07-2017)

Với tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là thủy sản nước mặn, nước lợ. Trong những năm qua, các tỉnh/thành phố duyên hải miền Trung đã tập trung phát triển NTTS phát huy những tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương. NTTS tại các tỉnh miền Trung đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế, đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế vùng nông thôn ven biển, thông qua việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo...
Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại các tỉnh miền Trung
Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2016, diện tích nuôi mặn, lợ của 7 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đạt 15.608ha, sản lượng 38.911 tấn; diện tích nuôi nước ngọt 19.443 ha, sản lượng 32.675 tấn.

Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ của vùng đạt 10.944,7ha, Thừa Thiên - Huế là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất (2.937ha), tiếp đến là Quảng Nam (2.730ha), Hà Tĩnh (2.200ha). Tổng sản lượng tôm nuôi của vùng năm 2016 đạt 32.736 tấn. Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển mạnh ở Quảng Nam, trong khi đó, Thừa Thiên - Huế với lợi thế đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nên có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất (2.387ha).

Diện tích nuôi tôm trên vùng cát của 7 tỉnh năm 2016 đạt 2.045,7/10.926ha tiềm năng có thể nuôi, sản lượng đạt 23.778,7 tấn, năng suất cao nhất ở Quảng Nam, đạt bình quân 12 tấn/ha/vụ. Theo đánh giá, tiềm năng của nghề nuôi tôm trên cát còn lớn, khi diện tích tiềm năng chiếm 85,65% cả vùng. Riêng năm 2016, diện tích nuôi tôm trên cát chiếm 54,79%, sản lượng chiếm 57,02% cả vùng miền Trung.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, ngành NTTS miền Trung vẫn còn một số tồn tại, như: cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, chất lượng con giống chưa thực sự tốt, nguồn nhân lực hạn chế, liên kết chuỗi trong sản xuất còn yếu, tổn thất sau thu hoạch lớn, sản phẩm chế biến sâu còn ít chủ yếu là chế biến sơ, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến chưa cao do đó chưa nâng cao được giá trị gia tăng trong sản phẩm, khả năng cạnh tranh thị trường kém. Nhiều chính sách về NTTS không còn phù hợp hoặc chưa đủ cơ chế khuyến khích phát triển và việc triển khai trong thực tiễn vướng mắc. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hoạt động NTTS trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các tỉnh khu vực Miền Trung có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lụt xảy ra hàng năm.

Trong thời gian tới, các tỉnh ven biển miền Trung cần phát triển nuôi trồng thủy sản hướng bền vững và hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế ở mỗi địa phương theo. Góp phần vào mục tiêu đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 4,5 triệu tấn; trong đó, tôm khoảng 710.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,5-5 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản cần triển khai các giải pháp một cách đồng bộ,đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất con giống sạch bênh và tăng trưởng nhanh; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; hình thành các kênh phân phối hàng thủy sản từ người sản xuất, doanh nghiệp đến các chợ, siêu thị.  Trước mắt, ngành thủy sản cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành các quy trình nuôi tiên tiến; tổng kết và nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả và bền vững môi trường như các mô hình nuôi kết hợp tôm-cá và các đối tượng khác.

 Đa dạng đối tượng nuôi và phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng vùng kinh tế, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh cụ thể của từng sản phẩm (nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng vùng đất cát có lợi thế, nuôi xen ghép tôm - cua - cá, nuôi nhuyễn thể, cá rô phi). Đẩy mạnh áp dụng nuôi có chứng nhận, phát triển các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần rà soát, sửa đổi và xây dựng mới, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật về giống, thức ăn; rà soát và quản lý thực hiện tốt quy hoạch về nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung các đối tượng chủ lực (tôm, nhuyễn thể, rô phi..), hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.

Ban hành/hướng dẫn khung lịch mùa vụ NTTS phù hợp với biến đổi khí hậu, tuân thủ quy trình kỹ thuật phù hợp để hạn chế thiệt hại trong điều kiện biến đổi khí hậu; coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, xác định phòng bệnh là chính thông qua các mô hình/phương thức nuôi phù hợp từng vùng/từng đối tượng.

Đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng các hiệp hội và doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp tổ chức thực hiện, nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các hoạt động.

Văn Thọ

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác