Kết quả quan trắc, giám sát về biến động môi trường vùng nuôi thủy sản nước ngọt trong tháng 5 tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang (09-06-2017)

Trong tháng 5, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định Nuôi trồng thủy sản đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước tại 3 địa phương là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long với các chỉ tiêu chính là pH, Nhiệt độ, DO, Độ trong, NH3, NO2, H2S, COD, MrNV (virut gây bệnh đục cơ trên tôm càng xanh), bệnh xuất huyết, viêm ruột trên cá rô phi.
Kết quả quan trắc, giám sát về biến động môi trường vùng nuôi thủy sản nước ngọt trong tháng 5 tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang
Ảnh minh họa

Kết quả quan trắc, giám sát về nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản cho thấy:

Về nguồn nước: Hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng nước đều phù hợp với nhu cầu của cá rô phi và tôm càng xanh. Tuy nhiên tại 1/11 điểm quan trắc tại xã Định Yên (Lấp Vò – Đồng Tháp) có giá trị thấp hơn quy định QCVN 02-22:2015/BNNPTNT (3,0 mg/l so với mức 4mg/l); 2/10 điểm thuộc tỉnh An Giang có kết quả đo độ trong chưa phù hợp với quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT là ấp Hòa Tây B , xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (kinh Bô) và ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (kinh So Đũa) (16cm so với mức ≥ 30cm); 4/11 điểm quan trắc có giá trị hàm lượng NO2 vượt ngưỡng so với quy định QCVN 08 từ 1,3 đến 1,4 lần.

Về dịch bệnh: Ngày 3/5/2017 phát hiện cá nuôi có dấu hiệu bệnh (dương tính với khuẩn Streptococcus agalatiae) tại các điểm thu mẫu ở An Giang và Vĩnh Long, tuy nhiên đã được xử lý kịp thời. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa nhiều, nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột, trùng với thời điểm giao mùa khiến vi khuẩn có điều kiện phát triển. Chi cục Thủy sản địa phương đã khuyến cáo người nuôi theo dõi, cách ly và tiến hành các biện pháp xử lý cần thiết để phòng và trị bệnh kịp thời.

Về nguồn nước nuôi tôm, nhìn chung phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, song hàm lượng ô xy hòa tan tại các hộ nuôi được thu mẫu dao động trong khoảng 4,2 – 4,5 mg/l, tuy thấp hơn quy định song vẫn đáp ứng tốt nhu cầu ô xy hòa tan của tôm càng xanh là 3 mg/l. Về xét nghiệm virut gây bệnh đục cơ đều cho kết quả âm tính, tôm phát triển bình thường.

Qua kết quả quan trắc và giám sát môi trường nuôi, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định Nuôi trồng thủy sản cũng đưa ra đề xuất:

- Cần theo dõi môi trường nuôi chặt chẽ do thời điểm này là thời gian Đồng bằng sông Cửu Long đang có mưa thường xuyên, thời tiết thay đổi thất thường.

- Hạn chế tối đa việc lấy nước trực tiếp từ sông/kênh vào ao nuôi. Khi cần cấp/thay nước, phải lựa chọn thời điểm thích hợp, lấy nước đã qua xử lý hoặc đã kiểm tra đảm bảo chất lượng; điều chỉnh pH và độ kiềm phù hợp trước khi cấp nước vào ao nuôi.

- Tăng cường giám sát mầm bệnh trên cá rô phi tại An Giang và Vĩnh Long, đặc biệt là các khu vực có kết quả dương tính với khuẩn gây bệnh Streptococcus agalatiae.

- Theo dõi biến động chất lượng môi trường nước hàng ngày đối với các chỉ tiêu kiểm tra nhanh và tình trạng sức khỏe của cá, tôm nuôi để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường và có biện pháp phù hợp, đặc biệt là DO và NO2

- Có chế độ cho ăn hợp lý, vệ sinh lồng bè nhằm hạn chế dư thừa thức ăn, ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi. Bổ sung định kỳ vitamin, khoáng chất tăng cường sức đề kháng và giúp tôm, cá tăng trưởng tốt.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác