Indonesia: diện tích rừng ngập mặn giảm mạnh do nuôi tôm (31-05-2017)

Rừng ngập mặn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ các cộng đồng tránh bão lụt, xói mòn bờ biển và sóng thần; cung cấp thực phẩm, vật liệu xây dựng và dược phẩm.
Indonesia: diện tích rừng ngập mặn giảm mạnh do nuôi tôm
Ảnh minh họa

Indonesia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất trên thế giới. Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Indonesia, là xương sống của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản nước lợ. Sinh kế của 2 triệu cộng đồng ven biển ở Indonesia trực tiếp phụ thuộc vào rừng ngập mặn.

Để tăng giá trị xuất khẩu tôm bằng nội tệ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và đáp ứng sự thiếu hụt tôm nguyên liệu do dịch bệnh gây ra, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, hơn 4.000 km2 rừng ngập mặn đã được chuyển sang nuôi tôm. Hậu quả là diện tích rừng ngập mặn hiện nay của Indonesia chỉ còn 31.000 km2 so với 41.000 km2 năm 1800 mà nguyên nhân chủ yếu là do nuôi tôm. Nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thuỷ sản nói chung đang là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với rừng ngập mặn của Indonesia.

Hiện nay, Indonesia có khoảng 8.000 km2 ao nuôi tôm, tuy nhiên chỉ có khoảng 6.000 km2 đang nuôi, (tập trung tại các trang trại truyền thống ở bờ biển phía đông của Kalimantan), chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, nuôi diện tích nhỏ do thiếu kỹ thuật và tài chính, năng suất nuôi tôm thấp (thường dưới 100 kg/ha/năm). Trong 5 năm (2011 – 2016), sản lượng tôm nuôi trung bình là 400.000 tấn/năm, sản lượng tôm xuất khẩu là 160.000 tấn /năm. Dự báo sản lượng tôm năm 2030 của nước này sẽ khoảng 600.000 tấn/năm.

Nhu cầu tôm cao sẽ tiếp tục thu hút nông dân chuyển đổi rừng ngập mặn sang ao nuôi tôm, cách đơn giản nhất và ít tốn kém nhất để tăng sản lượng (thay vì tăng năng suất). Theo tính toán, khoảng 6.000 km2 rừng ngập mặn có nguy cơ bị chuyển đổi trong hai thập kỷ tới để cân bằng nhu cầu và sản xuất tôm.

Mai Anh (Theo Muhammad Ilman, The Jakarta Post)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác