Có thể truy xuất nguồn gốc tôm nuôi với độ chính xác cao. (26-05-2017)

Các nhà nghiên cứu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã xác định rằng tôm nuôi từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ có thể được truy xuất nguồn gốc ở cấp quốc gia với độ tin cậy hơn 98% nhờ một phương pháp được gọi là hồ sơ nguyên tố.
Có thể truy xuất nguồn gốc tôm nuôi với độ chính xác cao.
Thu hoạch tôm nuôi (Nguồn: Fis.com)

Theo các nhà khoa học này, bằng phương pháp tinh vi hơn nhiều lần, hồ sơ nguyên tố giúp các nhà nhập khẩu, các cơ quan hải quan, các nhà bán lẻ cũng như các tổ chức, cá nhân khác có thể truy xuất được nguồn gốc hải sản được buôn bán trên toàn cầu. Điều này có thể làm sáng tỏ về các thực hành sản xuất với những liên quan đến các yếu tố tới hạn về môi trường và xã hội.

Hồ sơ nguyên tố là phương pháp phân tích một bộ các nguyên tố cơ bản để tạo thành một vật chất hoặc một loài. Trong trường hợp này, có 23 nguyên tố tìm thấy ở tôm đã được kiểm tra. Các nguyên tố này bao gồm: các dưỡng chất đa lượng và vi lượng thiết yếu, các nguyên tố vết không thiết yếu. Những mẫu vỏ tôm không đầu (headless shell on shrimp - HLSO) đã được phân tích bằng phương pháp ICP-AES (Plasma ghép đôi cảm ứng - Quang phổ phát xạ nguyên tử).

Với sự hỗ trợ của Đại học Auburn và Đại học Đại dương Trung Quốc, nghiên cứu đã được tiến hành trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) được nuôi ở ba quốc gia xuất khẩu chính, đó là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan.

Tiến sĩ Aaron McNevin làm việc tại WWF cho biết: “Khả năng truy nguyên nguồn cung cấp cho phép người tiêu dùng biết nguồn gốc tôm ở các thị trường chính hiện nay mà phần lớn là không thể được”.

McNevin giải thích rằng nếu không biết được nguồn gốc của một sản phẩm, chúng ta không thể xác định liệu có hay không môi trường tại trang trại nuôi đang bị làm tổn thương hoặc các công nhân đang bị ngược đãi.

“Hồ sơ nguyên tố cho chúng ta một bước tiếp cận gần hơn đến nguồn gốc trang trại nuôi và đó là những gì mà chúng tôi theo đuổi”, McNevin nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, ngày nay, thậm chí có thể lần theo dấu vết để biết được nguồn gốc của tôm nuôi cũng phụ thuộc vào các hồ sơ thường được cung cấp bởi các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, không có cách nào khách quan để thẩm tra những hồ sơ này với một sự chắc chắn, từ đó đem lại cơ hội để người ta gắn sai nhãn mác và gian lận.

Theo quan điển của họ, việc thiếu minh bạch và truy xuất nguồn gốc khiến người mua không nhận được thông tin quan trọng: quản lý môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cũng như phúc lợi của người lao động và an toàn thực phẩm.

Tiến sĩ Claude Boyd, giáo sư trường Nuôi trồng thủy sản và Khoa học thủy sản thuộc Đại học Auburn, cho biết: “Chúng tôi đã thử hồ sơ nguyên tố ở vùng đông nam Hoa Kỳ và nó đã làm việc tốt trên cá da trơn và tôm - sự lựa chọn hợp lý là mở rộng sang các quốc gia nuôi chính”.

Nghiên cứu đã khẳng định tính chính xác trong việc truy xuất nguồn gốc ở cấp độ quốc gia. Cũng thấy rằng việc cố gắng tìm nguồn gốc xuống đến các bang hoặc các tỉnh là có triển vọng, nhưng kết quả không đáng tin cậy như khả năng truy xuất nguồn gốc ở cấp độ quốc gia.

Anh Chi (Theo Fis.com)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác