Sóc Trăng: phát huy tối đa tiềm năng lợi thế trong phát triển nuôi tôm (25-04-2017)

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Sóc Trăng để nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Và đưa ra những chỉ đạo định hướng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Sóc Trăng: phát huy tối đa tiềm năng lợi thế trong phát triển nuôi tôm
Ảnh minh họa

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Sóc Trăng có tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển đường biển và du lịch biển. Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, Sóc Trăng sẽ tiến hành các dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề thành cảng đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa; Kết hợp các dịch vụ cung ứng, sửa chữa, hậu cần nghề cá... của khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại cửa sông Hậu. Bên cạnh đó, Sóc Trăng là tỉnh có số lượng tàu thuyền khai thác hải sản đứng thứ 4 trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngư dân Sóc Trăng có kinh nghiệm đánh bắt khá lâu đời trên biển. Tàu thuyền khai thác thủy sản của ngư dân tỉnh Sóc Trăng đang hướng đến mục tiêu vươn xa, nhờ vào chính sách của nhà nước hỗ trợ cho đánh bắt xa bờ.

Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua, tôm nước lợ tiếp tục được khẳng định là một thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng với hai đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, quy mô nuôi tôm của tỉnh còn thấp, trong khi đó con tôm mang lại giá trị kinh tế cao mang lại thu nhập lớn cho người dân.

Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng tăng 8% so với năm 2015; trong đó, sản lượng khai thác biển đạt trên 62.000 tấn. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt 630 triệu USD, đây là một trong những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế vốn có trong phát triển nuôi tôm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng phát triển con tôm. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước đạt giá trị 10 tỉ USD, trong đó Sóc Trăng cần phấn đấu đóng góp 1 tỉ USD.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, biểu dương những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực còn kém, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Khmer còn cao. Một số ngành chưa phát huy tối đa tiềm năng vốn có của địa phương.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Sóc Trăng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và chất lượng cao. Đặc biệt, phải phát huy tối đa thế mạnh về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh.

Thủ tướng cũng đề nghị Sóc Trăng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất tôm của Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến thúc đẩy công nghiệp để giải quyết việc làm mà nhất là công nghiệp năng lượng tái tạo, cũng là một ưu thế của tỉnh. Trong đó, hệ thống điện gió sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và góp phần thúc đẩy phát triển trong nuôi trồng thủy sản nói riêng. Đặc biệt, hiện nay nhu cầu điện cung cấp điện phục vụ cho phát triển nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh và các tỉnh lân cận của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là rất lớn.

Văn Thọ

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác