Nghệ An: phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi (02-12-2016)

Huyện Tương Dương có trên 10.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ 3 thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và thủy điện Nậm Nơn, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó người dân chỉ mới chú trọng nuôi nhiều ở hồ chứa Khe Bố được 120 lồng, trong khi hồ chứa thủy điện Bản Vẽ rộng lớn chỉ mới nuôi được 20 lồng. Nguyên nhân hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ nuôi cá lồng bè ít là do xa khu dân cư, chỉ duy nhất một số bản ở xã Hữu Khuông tập trung nuôi theo hình thức bán thâm canh. Chưa kể hiện nay là nguồn giống cá thường rất khó khăn, chưa có trại ươm nuôi cá giống, bà con phải xuống Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương mua, chi phí cao.
Nghệ An: phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi

Đầu năm 2016, Thực hiện Quyết định số 4454/QĐ-UBND của UNBD tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An đến năm 2020, huyện Tương Dương đã triển khai Dự án phát triển nuôi cá lồng công nghệ mới trên lòng hồ. Huyện đã hỗ trợ 492 triệu đồng làm mới 82 lồng cá trên lòng hồ, trong đó có 39 lồng thí điểm áp dụng công nghệ mới được thực hiện ở 4 xã là Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Thái, Hữu Khuông và thị trấn Tương Dương. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ cá giống, vốn vay để thực hiện.

Nếu như trước đây phần lớn các hộ nuôi làm lồng đang tận dụng các nguyên liệu tự nhiên sẵn có như tre, gỗ, thì nay nhờ được tiếp cận với các loại lồng nuôi công nghệ mới bằng khung và lưới sắt nên đã giảm được chi phí đầu tư và dễ dàng chăm sóc, quản lý, đem lại hiệu quả cao hơn. Về kích thước lồng: có sự khác nhau giữa các địa phương, nhưng thông thường lồng nuôi có kích cỡ khoảng dài 6m x rộng 2m x cao 1,4 m.

Sau hơn 6 tháng thả cá cho thấy mô hình nuôi cá lồng công nghệ mới trên lòng hồ thủy điện ở huyện Tương Dương cá phát triển tốt, ước tính thu nhập bình quân mỗi lồng đạt từ 25-30 triệu đồng/vụ.

So với hình thức nuôi cá lồng thông thường thì nuôi cá lồng công nghệ mới có ưu điểm: Lồng đặt ở lòng hồ, nước lên xuống thất thường có thể di chuyển dễ dàng, nguyên vật liệu làm lồng bằng nhựa dẻo gọi là HDPE, có độ bền cao, còn với lưới làm lồng là loại lưới đặc chủng, gọn nhẹ, giá thành lại rẻ. Với cấu tạo tiện lợi, có thể bố trí tổ hợp cho cá ăn tự động, giúp người nuôi thuận tiện hơn khi cho cá ăn.

Để nghề nuôi cá lồng bền vững, các địa phương có tiềm năng mặt nước cần tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và đặc biệt là quy hoạch nuôi cá lồng bè, từng bước khai thác hợp lý; bên cạnh các loại cá truyền thống cần đưa vào nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo Mỹ, cá tầm. Tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống, công tác kiểm dịch. Với các vùng miền núi cần mở các lớp đào tạo kỹ thuật; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thuỷ sản…Tăng cường chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ. Xây dựng chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh thủy sản ở các vùng nước lớn. Tăng nguồn hỗ trợ kinh phí đầu tư các lồng nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tạo ra thị trường ổn định, phát triển.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác