Hội nghị Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm – lúa tại ĐBSCL (24-09-2015)

Ngày 21-22 tháng 9 năm 2015 Thứ trưởng Vũ Văn Tám và các cơ quan thuộc tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã có chuyến công tác khảo sát thực tế các vùng nuôi tôm lúa tại Cà Mau và Kiên Giang. Ngày 23 tháng 9 năm 2015 tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm - lúa tại đồng bằng sông Cửu Long”. Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Vũ Văn Tám và ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT: Tổng cục Thủy Lợi, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổng cục Thủy sản, các ban ngành các Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Viện Phát triển và Quy hoạch Thủy lợi, Viện kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Hội nghị Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm – lúa tại ĐBSCL

  Sau khi nghe Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Viện Quy hoạch thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia báo cáo hiện trạng và giải pháp phát triển Tôm-Lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, các ý kiến tham luận của đại biểu tham dự và kết quả khảo sát thực thực tế vùng nuôi tôm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã kết luận như sau:

            Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ diễn biến phước tạp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét như xâm nhập mặn, hạn hán, nước biển dâng, hình thức canh tác tôm - lúa trong thời gian qua có nhiều kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro dịch bệnh, góp phần đáng kể phát triển nghề nuôi tôm nước lợ trong nước. Trong đó, diện tích nuôi tôm – lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 160.000ha, sản lượng trên 60.000 tấn, diện tích tiềm năng phát triển đến năm 2020, định hướng 2030 dự báo trên 250.000ha, sản lượng ước đạt 125.000 – 150.000 tấn/năm.

             Tuy nhiên, hình thức canh tác tôm-lúa này vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục như hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, quy trình kỹ thuật canh tác cần hoàn thiện cho phù hợp với từng vùng sinh thái và được tổ chức sản xuất, quản lý một cách hợp lý. Để đạt được mục tiêu phát triển sản xuất tôm-lúa bền vững và hiệu quả giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 nghề nuôi tôm-lúa tại ĐBSCL các đơn vị thuộc Bộ và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp và phân công cụ thể cho các đơn vị như sau:

photo 3.jpg

Thứ trưởng Vũ Văn Tám khảo sát thực tế các vùng nuôi tôm lúa tại Cà Mau và Kiên Giang

 

 Về  các giải pháp về quy hoạch: Bộ giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thủy sản (i) Chủ trì phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản và các địa phương rà soát số liệu Quy hoạch Phát triển nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trong đó có phát triển tôm lúa và tổ chức nghiệm thu cấp Bộ trong tháng 9/2015 và trình Bộ phê duyệt quy hoạch để triển khai thực hiện, (ii) Chủ trì Xây dựng Đề án Phát triển sản xuất bền vững tôm–lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, trình Bộ phê duyệt trong tháng 11/2015 để đưa vào thực hiện từ năm 2016; GiaoTổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi rà soát Quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL trong đó có các nội dung về Công trình thủy lợi đầu mối, chủ trương về ngọt hóa bán đảo Cà Mau đến 2020; Cục trồng trọt chủ trì rà soát và có các giải pháp đối với việc chuyển đổi vùng đất 2 vụ lúa thành 1 vụ lúa và 1 vụ tôm trên cơ sở có căn cứ khoa học đánh giá tác động đối với hệ sinh thái, xu hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm và cơ chế chính sách phát triển; đồng thời giao các địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng lại quy hoạch thủy lợi, quy hoạch chi tiết phát triển tôm nước lợ trong đó có tôm-lúa của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng ĐBSCL.

Về giải pháp kỹ thuật: Tiếp tục nghiên cứu giải quyết các vấn đề về giống tôm và lúa phục vụ cho phát triển tôm-lúa. Trong đócác viện nghiên cứu, trường đại học tận dụng các nguồn lực, đề xuất các vấn đề tiếp tục nghiên cứu cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT  để có đủ tôm giống có chất lượng đặc biệt là tôm sú chất lượng cao; Nghiên cứu cơ cấu các loài thủy sản nuôi (tôm, cua, cá…) phù hợp trong mô hình tôm-lúa gắn với từng vùng sinh thái khác nhau; Giao cục Trồng trọt phối hợp với các cơ quan chuyên môn, địa phương tổng kết nghiên cứu về giống lúa chịu mặn hiện nay để phổ biến cho người dân thực hiện, đồng thời tiếp tục nghiên cứu tạo giống lúa chịu mặn > 50/00, hoặc giống cây canh tác kết hợp nuôi tôm phù hợp với vùng nước có độ mặn > 50/00; Đối với kỹ thuật nuôi tôm-lúa, giao Tổng cục Thủy sản (i) Chủ trì phối hợp với Cục trồng trọt và các đơn vị chuyên môn và địa phương tổ chức nghiên cứu hoàn thiện quy trình, xây dựng các quy trình  nuôi khác nhau phù hợp với các điều kiện sinh thái của từng vùng về cả phương thức nuôi, thời vụ, mật độ nuôi, quy trình kỹ thuật và quy mô phát triển bền vững; (ii) Chủ trì xây dựng và phối hợp với cục Thú y  hướng dẫn công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả cho người nuôi áp dụng; (iii) Xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGap áp dụng cho nuôi tôm-lúa, hướng dẫn  Quy trình thủ tục Chứng nhận sản phẩm tôm sinh thái, quy trình thủ tục VietGAP hỗ trợ người nuôi áp dụng, các địa phương triển khai thực hiện và (iv) Chủ trì phối hợp với Cục trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, các Viện, Trường, địa phương và các tổ chức, đối tác nước ngoài sớm tổ chức Hội thảo chuyên đề về các vấn đề khoa học, kỹ thuật liên quan đến nuôi tôm-lúa tại ĐBSCL về tác động của việc chuyển đổi từ hình thức canh tác 2 vụ lúa sang 1 vụ tôm, 1 vụ lúa; Những tác động của việc nuôi đồng thời tôm, cua, cá trong điều kiện nhiễm mặn đến sự tích tụ mặn, độ phì của đất. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thủy lợi và các địa phương nghiên cứu đề xuất giải pháp tổ chức kiểm soát, điều tiết nước mặn, nước ngọt vùng nuôi tôm – lúa; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hàng năm triển khai mô hình tôm - lúa, tập huấn kỹ thuật, có tổng kết để nhân rộng mô hình.

            Về giải pháp chỉ đạo và tổ chức sản xuất: Giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Cục trồng trọt và các địa phương tổng kết mô hình nuôi tôm lúa hay trong nông dân, kỹ thuật thiết kế đồng ruộng hiệu quả để phổ biến và nhân rộng sản xuất; Hướng dẫn xây dựng và tổ chức  sản xuất theo hình thức liên kết sản xuất hiệu quả như Tổ hợp tác, Hợp tác xã; thực hiện cả liên kết ngang giữa hộ nuôi trong các vùng sản xuất và liên kết dọc trong chuỗi sản xuất tôm – lúa  nhằm quản lý tốt hơn về chất lượng, giá cả và truy xuất nguồn gốc để phát triển bền vững.

            Về giải pháp về chính sách: Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tham mưu chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng sản xuất tôm – lúa  như  chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu cho đầu tư thiết kế đồng ruộng, chính sách về chứng nhận sản phẩm sạch, chính sách về giống và hỗ trợ sản xuất, chính sách hỗ trợ vay vốn, ưu đãi lãi suất.

Tuyết Hạnh – Vụ NTTS

Ý kiến bạn đọc

Tin khác