Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, đại diện một số bộ, ngành, đơn vị trực thuộc, cùng hơn 20 Chi cục Thủy sản các tỉnh có hồ chứa trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đã đồng chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện cả nước có 23 tỉnh có tiềm năng phát triển thủy sản hồ chứa, với hơn 29.000 lồng nuôi trên sông, hồ chứa. Trong 9 tháng năm 2023, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa đạt hơn 36,4 nghìn tấn, với các loài cá nuôi phổ biến như: Nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, trắm đen, ngạnh, tầm, rô phi… Những năm qua, để thúc đẩy phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người nuôi về mùa vụ, quản lý sản xuất, phòng, chống nắng nóng, mưa bão; hướng dẫn công tác quản lý nuôi trồng thủy sản lồng, bè.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa còn gặp những khó khăn như: Điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa phát triển toàn diện, liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, quy mô sản xuất còn manh mún, các nhà máy chế biến phục vụ sản xuất tại hồ Hòa Bình còn hạn chế, công tác quản lý môi trường, công tác quan trắc cũng còn hạn chế... Ông Ngô Thế Anh - Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Cục Thủy sản cho biết.
Để phát huy tiềm năng thế mạnh đưa nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa phát huy hiệu quả, Cục Thủy sản đã đề xuất 6 giải pháp trong vấn đề phát triển thủy sản hồ chứa tại Hòa Bình. Bao gồm, xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030 và triển khai hiệu quả Đề án.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng, bè tập trung trên Hòa Bình (mô hình nuôi công nghệ cao sử dụng các vật liệu lồng bè thân thiện với môi trường, trung tâm giống, hạ tầng giao thông, bến thuyền…).
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để kêu gọi, thu hút đầu tư vào sản xuất thủy sản trên hồ. Tổ chức sắp xếp hiệu quả khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản gắn với các điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình.
Đa dạng hóa các hình thức quảng bá sản phẩm phù hợp, truyền thông, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng, tạo sự hiểu biết đúng về thủy sản của tỉnh, nhất là đối với sản phẩm thủy đặc sản. Tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu cá Sông Đà.
Hội nghị đã tập trung thảo luận và kiến nghị nhiều giải pháp để đưa lĩnh vực nuôi thủy sản trên hồ chứa phát huy được tiềm năng lợi thế một cách có hiệu quả, bền vững. Các đại biểu đã trình bày các tham luận như: Tổng quan về hiện trạng và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa; Giải pháp tổng thể phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa; Giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất giống và phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa; Đánh giá công tác quản lý, khai thác và sử dụng mặt nước cho nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa, tồn tại và giải pháp; Nguồn lợi thủy sản khu vực hồ Hòa Bình: tiềm năng và giải pháp bảo vệ, tái tạo gắn với khai thác và phát triển du lịch sinh thái; Phát triển du lịch trên lòng hồ gắn với kinh tế thủy sản; Hiện trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình...Qua các nghiên cứu, tham luận đã có những mô hình, hướng phát triển đúng đắn của một số tỉnh, làm cơ sở để nhân rộng ra các tỉnh/thành khác trên cả nước.
Tại Hội nghị, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cũng cho biết, Sơn La là một trong những tỉnh có lợi thế nhất định về nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa. Trong những năm qua, tỉnh cũng đã ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, hồ thủy điện. Tuy nhiên, với diện tích mặt nước lớn, quy mô nuôi trồng thủy sản còn manh mún nhỏ lẻ, công nghệ nuôi lồng bè chưa thực sự bền vững, đầu ra tiêu thụ còn bấp bênh. Do đó, giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa giai đoạn tới cần tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư xây dựng cảng cá, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hình thành mạng lưới dịch vụ hiệu quả chất lượng cao phục vụ phát triển thủy sản...
|
Tại Hội nghị, ông Đinh Công Sứ cho biết, Hòa Bình có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có vùng lòng hồ thuỷ điện Hòa Bình rộng nên có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa. Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa.
Hòa Bình là một trong 5 tỉnh tỉnh miền núi Tây Bắc có tiềm năng phát triển thủy sản lớn nhất với trên 14.560 ha mặt nước, toàn tỉnh có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ trong đócó 49 hồ chứa lớn có dung tích từ 3 -10 triệu m3, 151 hồ chứa vừa có dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3, 273 hồ chứa nhỏ có dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m3 và có 70 hồ chứa có dung tích dưới 50.000 m3 phân bố trên địa bàn của 10 huyện, thành phố của tỉnh. Đặc biệt hồ thuỷ điện Sông Đà với diện tích 8.892 ha, hồ nằmtrên địa bàn Thành phố Hòa Bình và 4 huyện là Cao Phong; Đà Bắc; Tân Lạc; Mai Châu. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có 2,7 nghìn ha và 4,9 nghìn lồng nuôi thủy sản trên hồ sông Đà;
Nuôi cá lồng bè trên hồ Hòa Bình trong giai đoạn (2015-2022) phát triển rất nhanh, số lồng nuôi cá năm 2015 là 2.317 lồng đến năm 2022 là 4.900 lồng, tăng 2.583 lồng, tỷ lệ tăng 111, 48% bình quân tăng 13,93%/năm. Phát triển nuôi cá lồng Hồ Hòa Bình được chú trọng, do vậy sản lượng nuôi trồng tăng mạnh. Sản lượng cá thu hoạch năm 2015 là 1.398 tấn đến năm 2022 là 5.482 tấn tăng 4.084 tấn, tỷ lệ tăng 292,13%, bình quân tăng 36,5%/năm gồm các loài như cá Chiên, cá Lăng chấm, Diêu hồng, cá Trắm đen, cá Bỗng, cá Tầm, Trắm cỏ, cá Rô phi...
Hiện nay ở Hoà Bình đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh như: Công ty TNHH Hải Đăng Phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có 200 lồng nuôi với thể tích 21.600 m3, Công tỵ TNHH Cường Thịnh tại Phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có 240 lồng với thể tích 25.920 m3 , Công ty TNHH Hưng Nguyên tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Băc có 180 lồng với thể tích 19.440 m3, Công ty TNHH Mavin có 10 lồng tròn nhựa HDPE, đường kính 20 m, sâu 6 m và 35 lồng vuông thể tích 3.780 m3.
|
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ sôi động, với nhiều tàu, bè cùng hàng nghìn lồng cá đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng lòng hồ Hòa Bình. Hiện nay, đã có trên 20 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình. Trong thời gian tới, tỉnh Hoà Bình đang hướng tới nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hiệu quả, bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu; nuôi trồng gắn liền với phát triển du lịch.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Những năm qua, nuôi trồng thủy sản hồ chứa có phát triển nhưng còn sơ khai, cần phải có sự định hướng, xây dựng mô hình, lan tỏa sản xuất để có bước đi vững chắc, tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa. Thứ trưởng đề nghị các địa phương điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản và quy hoạch phát triển nuôi cá hồ chứa phù hợp với từng vùng sinh thái, trong đó tỉnh Hòa Bình là 1 trong 5 tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương có diện tích hồ chứa tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi cá hồ chứa. Đối với tỉnh Hòa Bình, cần khẩn trương phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch năm 2030 và triển khai hiệu quả đề án; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng, bè tập trung trên hồ Hòa Bình.
Ngành nông nghiệp các tỉnh tập trung chỉ đạo doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện sản xuất, đăng ký cấp mã số, chấp chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi lồng bè. Bên canh đó, vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất.
Văn Thọ