Theo đó, để tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển ổn định, bền vững, gia tăng giá trị, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, pháp luật có liên quan trong nuôi trồng thủy sản (quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; quản lý về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản…).
Phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức triển khai đảm bảo các nội dung, mục tiêu Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum tại Quyết định số 864/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đồng thời, tập trung triển khai hoàn thành chỉ tiêu về Kế hoạch thủy sản được cấp thẩm quyền giao trong năm 2023 và đề xuất giải pháp, phát triển các tháng cuối năm 2023 nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thủy sản đảm bảo về số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.
Tiếp tục thực hiện việc cấp, cấp lại Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ. Hướng dẫn, thẩm định và chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tiếp tục thực hiện công tác quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định, quản lý điều kiện nuôi thương phẩm theo đúng quy định của nhà nước, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong nuôi trồng thủy sản.
Triển khai các quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 07/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; theo dõi, kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản và công tác phòng chống dịch bệnh, khử trùng môi trường thủy sản, kịp thời phát hiện và khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại cho người dân.
Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản (về quản lý giống thủy sản, quản lý nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản), xử lý nghiêm các vi phạm nếu có và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các giải pháp thực hiện để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện thống kê, ký cam kết, kiểm tra điều kiện sản xuất theo quy định đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất nuôi trồng thủy sản thực hiện thủ tục Giấy xác nhận nuôi thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản trong các tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch sản xuất. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản các giống có năng suất, chất lượng cao, các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá trắm, cá chép, cá lăng, rô phi dòng ghép, cá chình…) để khai thác tiềm năng lợi thế tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản, các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm thủy sản có khả năng truy xuất nguồn gốc và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Hướng dẫn cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở, đồng thời hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản khi thấy thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết nhiều bất thường cần báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân. Tuyệt đối không xả thải nước, chất thải các cơ sở nuôi trồng bị dịch bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, ở diện hẹp, tránh để lây lan diện rộng, khó kiểm soát.
Ánh Nguyệt