Trong những năm qua, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến phức tạp tại nhiều vùng nuôi trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô và một số bệnh phổ biến khác như bệnh do vi bào tử trùng, phân trắng, đỏ thân,... kết hợp với các yếu tố bất lợi của môi trường, thời tiết thay đổi đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030”; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản (đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản nhằm cung cấp tôm giống an toàn, sạch bệnh cho người nuôi) và tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh tại các vùng nuôi, từng lô hàng tôm nhập khẩu để đưa ra dự báo, cảnh báo.
Tính đến tháng 01/2024, Việt Nam đã xây dựng thành công 33 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 28 cơ sở sản xuất tôm giống (với sản lượng khoảng 40 tỷ tôm post larvae/ năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của người nuôi tôm) và 05 cơ sở nuôi tôm thương phẩm được đánh giá, chứng nhận an toàn với nhiều bệnh nguy hiểm trên tôm. Hằng năm, Cơ quan thú y và doanh nghiệp cũng tổ chức lấy trên 50 ngàn mẫu tôm và môi trường để xét nghiệm các loại tác nhân gây bệnh, đánh giá lưu hành dịch bệnh nhằm cảnh báo vùng nuôi, giám sát tác nhân gây bệnh mới xâm nhiễm vào trong nước.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Thủy sản, hiện cả nước có 2.141 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, trong đó có rất nhiều cơ sở chưa đạt điều kiện về an toàn dịch bệnh. Một số bệnh mới như DiV1, bệnh mờ đục thân (TPD) hay bệnh thủy tinh (GPD) trên hậu ấu trùng tôm đã và đang diễn biến phức tạp ở các nước xung quanh và có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan liên quan tập trung điều tra, xác minh, đánh giá lưu hành của các tác nhân gây bệnh, xây dựng phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm, kịp thời tham mưu cho Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Thực tế trong những năm qua cho thấy, công tác phòng chống dịch bệnh động vật thuỷ sản nói chung và trên tôm nước lợ nói riêng tại nhiều địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nguyên nhân chính là do: (i) Kinh phí hàng năm bố trí cho hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh còn thấp hoặc không bố trí kinh phí; dẫn đến không có thông tin hoặc thông tin không chính xác về bệnh và lưu hành dịch bệnh, gây khó khăn cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trong việc tham mưu, chỉ đạo chuyên môn, xử lý lý dịch bệnh không kịp thời và thiếu hiệu quả; (ii) Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các cơ sở sản xuất giống thủy sản; nhiều cơ sở ương dưỡng giống thủy sản nhỏ lẻ chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn dịch bệnh; công tác kiểm dịch giống thủy sản gặp rất nhiều khó khăn; (iii) Nhân viên thú y cấp xã thường phải kiêm nhiệm nhiều việc, phần lớn là phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, chưa được trang bị kiến thức về bệnh thủy sản, nên rất hạn chế trong việc hỗ trợ chuyên môn cho người nuôi tôm; (iv) Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, người nuôi tôm không báo cáo cho chính quyền địa phương và chuyên môn thú y khi phát hiện dịch bệnh hoặc có thủy sản chết bất thường, tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; tự ý sử dụng kháng sinh cấm, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho tôm; (v) Việc nắm bắt thông tin chính xác về thực trạng và diễn biến dịch bệnh tại vùng nuôi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan quản lý và người nuôi, dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành xử lý dịch bệnh không kịp thời, thiếu hiệu quả.
Để bảo đảm nguồn tôm giống chất lượng, an toàn, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm nước lợ tổ chức thực hiện một số nội dung sau:
Bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2580/BNN-TY ngày 25/4/2023 về việc chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ và Công văn số 6060/BNN-TY ngày 31/8/2023 về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản năm 2024.
|
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đẩy mạnh giám sát chủ động kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm an toàn dịch bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới người sản xuất giống, người nuôi về các văn bản, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn khai báo dịch bệnh, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh khi xảy ra dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý xả thải, giấu thông tin tôm bệnh làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mặt khác, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thuỷ sản của địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh theo phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi, kiểm soát các mối nguy (sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn); thiết lập đường dây nóng để tiếp thông tin, xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh, tôm chết, tôm có dấu hiệu bất thường tại cơ sở; kịp thời báo cáo cho cơ quan cấp trên (Chi cục Thú y vùng, Cục Thú y) để phối hợp xử lý với các trường hợp bệnh mới, chưa rõ nguyên nhân, tác nhân.
Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, gắn với công tác kiểm dịch con giống và xây dựng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại cấp thôn, xã và huyện; rà soát, chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm bệnh và báo cáo số liệu, chia sẻ thông tin dịch bệnh của các phòng xét nghiệm bệnh thủy sản trên địa bàn. Tiếp tục thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục Thú y khẩn trương phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức thực hiện “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2024” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Cùng với đó, chủ động kiểm tra, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát dịch bệnh và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đặc biệt với các bệnh mới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản đặc biệt trên tôm nước lợ.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung trong công văn 660/BNN-TY; thường xuyên thông báo về Bộ NN&PTNT để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi năm 2024
Hiện Cục Thú y đang khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và tổ chức triển khai (i) Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi giai đoạn 2021-2030, (ii) Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản năm 2024 của Bộ NN&PTNT, (iii) Kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản của các địa phương. Đồng thời, theo dõi diễn biến tình hình dịch trên tôm ở các địa phương (đặc biệt hiện tượng tôm chết nhiều, chết bất thường tại một số vùng nuôi).
Tổ chức giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi. Tổ chức giám sát một số tác nhân gây bệnh mới (TPD, DIV1,..), bệnh nguy hiểm trên tôm có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước. Tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại một số vùng nuôi trọng điểm, hỗ trợ bảo đảm mục tiêu sản xuất nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch của Bộ và các địa phương. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (theo hướng giảm tần suất, thời gian giám sát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính,...); Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ, phối hợp với các Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương hướng dẫn, thẩm định, công nhận an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất tôm giống, tôm thương phẩm.
Thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống, quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y. Các địa phương xem xét kiện toàn, bố trí, sắp xếp đủ số lượng kiểm dịch viên, bảo đảm nguồn lực để thực hiện công tác kiểm dịch tôm giống. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh tổ chức thực hiện kiểm dịch chặt chẽ tôm giống vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh về kiểm dịch tôm giống; Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y và thủy sản, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kiểm dịch tôm giống...
Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho hệ thống thú y thủy sản từ trung ương đến địa phương. Nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản. Nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh, an toàn dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, phân tích và quản lý dữ liệu, đánh giá nguy cơ dịch bệnh thủy sản. Phối hợp với các đơn vị báo chí, truyền thông để thông tin tuyên truyền các bệnh nguy hiểm trên thủy sản, quản lý, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, an toàn dịch bệnh.
Theo kế hoạch năm 2024, Cục Thủy sản, Cục Thú y sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia để nghiên cứu các mô hình, giải pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, tác nhân gây bệnh mới, các quy trình chẩn đoán bệnh, bảo đảm xét nghiệm chính xác tác nhân gây bệnh... Tiếp tục phối hợp và cộng tác với các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn dịch bệnh và tìm hiểu các quy định quốc tế nhằm hỗ trợ các cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh đáp ứng yêu cầu nước xuất khẩu.
Đặc biệt là, trong tháng 3/2024, sẽ phối hợp với Đại sứ quan Úc và Bộ Nông nghiệp Úc tổ chức Hội thảo về an toàn sinh học đối với các trang trại nuôi trồng thuỷ sản quy mô nhỏ lẻ tại Việt Nam.
Ngọc Thúy - FICen