Lượng khí thải nhà kính của ngành thủy sản đã tăng lên do nhu cầu tôm hùm và tôm khác (05-04-2018)

Theo một nghiên cứu mới, phát thải khí nhà kính từ thủy sản đánh bắt tự nhiên đã tăng lên đáng kể do nhu cầu về các mặt hàng cao cấp như tôm hùm và tôm khác.
Lượng khí thải nhà kính của ngành thủy sản đã tăng lên do nhu cầu tôm hùm và tôm khác
Ảnh minh họa

Thay đổi sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các loại thủy sản có vỏ hơn các loại cá đánh bắt truyền thống từ năm 1990 đã gây ra tình trạng ô nhiễm rất lớn, do cách thức đánh bắt các loại thủy sản này.

Hầu hết hải sản có dấu chân carbon tương tự như thịt gà, nhưng một số loài động vật có vỏ có hại cho môi trường như các loại thịt gây ô nhiễm cao như thịt cừu và thịt bò.

Về mặt thực tế, lượng khí thải của ngành đánh cá đã tăng gần 30% trong khoảng thời gian giữa năm 1990 - 2011, nhưng tổng lượng thủy sản khai thác tổng thể không tăng. Các nhà khoa học tin rằng nhu cầu đối với thủy sản đắt tiền tăng cao có thể gây nên xu hướng này.

Giáo sư Peter Tyedmers, nhà nghiên cứu hệ thống thực phẩm thuộc Đại học Dalhousie và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng ta giàu có hơn, mọi người sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại động vật này và nguồn cung của các loại này vẫn còn khá tốt”.

Sản xuất lương thực nói chung chịu trách nhiệm cho ít nhất một phần tư khí thải nhà kính do con người tạo ra, nhưng các nghề cá biển thường bị bỏ sót.

Tiến sĩ Friederike Ziegler, chuyên gia về thủy sản thuộc Viện nghiên cứu RISE của Thụy Điển, nói với tờ The Independent: “Thủy sản nói chung không được kết hợp chặt chẽ với đánh giá về an ninh lương thực và sự bền vững về lương thực thực phẩm giống như các loại thực phẩm khác”.

Tuy nhiên, phát thải từ đánh bắt vẫn còn đáng kể do nhiên liệu sử dụng cho các tàu đánh cá.

Dựa trên dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu từ các ngành thủy sản trên toàn thế giới từ năm 1990 - 2011, giáo sư Tyedmers và các đồng nghiệp của ông đã chỉ ra lượng phát thải trên cơ sở từng quốc gia.

Kết quả của họ đã được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các quốc gia tập trung không cân xứng vào loài giáp xác - nhóm động vật bao gồm tôm hùm, cua và tôm - có đội tàu có hàm lượng carbon cao nhất.

Úc, ví dụ, thu hoạch hải sản ít hơn nhiều so với nhiều nước khác nhưng đóng góp một phần lớn lượng khí thải nhà kính.

Nghề cá đánh bắt các loài giáp xác chỉ chiếm 6% tổng lượng thủy sản đánh bắt, nhưng nghề cá này đã chịu trách nhiệm cho một phần năm lượng khí thải.

Mặt khác, các nghề cá tập trung vào cá ở vùng biển mở đóng góp chỉ 2% lượng khí thải của ngành, mặc dù chiếm một phần năm sản lượng được báo cáo.

Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng các nghề cá đánh bắt động vật giáp xác sử dụng một lượng đáng kể nhiên liệu trong khi đánh bắt số lượng tương đối thấp.

Tiến sĩ Ziegler, người không tham gia nghiên cứu này, cho biết: “Thực tế là việc đánh bắt loài giáp xác sử dụng năng lượng cao không phải là một điều bất ngờ”.

“Báo cáo này cho biết thêm sự phát triển theo thời gian - thành phần thực tế của sản lượng đánh bắt và các sở thích đã thay đổi, và ở một số nơi trên thế giới ví dụ như ở các vùng đánh cá ở bờ tây Thụy Điển bạn có sự chuyển đổi từ cá ở vùng đáy biển sang các loài giáp xác”.

Bên cạnh nhu cầu đối với các loài giáp xác này, sự sụt giảm toàn cầu về trữ lượng cá đã dẫn đến sự tập trung tăng lên đối với các loài giáp xác đang có trữ lượng tương đối cao.

Nghề cá có lượng carbon nhỏ hơn nông nghiệp, nhưng do phát thải của nghề cá tăng, các chuyên gia đã yêu cầu thêm một cách tiếp cận toàn diện để tính đến sự đóng góp của nghề cá.

Helen McLachlan, Giám đốc quản lý chương trình quản lý thủy sản của WWF UK, nói với tờ The Independent: "Nghề cá không nên được quản lý ngầm như trước đây”.

"Chúng ta cần xem xét các nghề cá trong quản lý biển rộng hơn và ảnh hưởng của đánh bắt lên môi trường rộng hơn - là các loài mục tiêu, các loài không phải là mục tiêu, môi trường sống, và phát thải thực sự của các đội tàu đánh cá”.

Bà McLachlan đã chỉ ra rằng những con tôm hùm ở Na Uy - một nghề đánh bắt quan trọng ở Scotland - như một ví dụ về làm thế nào các loài thủy sản này có thể trở nên thân thiện với khí hậu hơn.

Bà cho biết: “Nhiên liệu cần thiết để bắt một kg tôm hùm ở Na Uy có thể giảm từ 9 lít xuống còn 2,2 lít nếu bạn chuyển từ khai thác lưới kéo thành lồng bẫy”.

Trước đây, Tiến sĩ Ziegler nói rằng các cơ quan khuyến khích nghề cá bền vững như Hội đồng Quản lý Biển (MSC) của Anh đã trích dẫn một sự thiếu hụt dữ liệu khi xem xét tác động của việc đánh bắt đến khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu.

Một phát ngôn viên của MSC cho biết: “Trong khi phát thải khí nhà kính đã được xem xét trong quá trình xây dựng Tiêu chuẩn Thủy sản MSC, phát thải khí nhà kính vẫn chưa được đưa vào trong các đánh giá tiếp theo”.

Điều này phần lớn là do các nghiên cứu trước đó, tương tự như những phát hiện trong bài báo này, kết luận rằng lượng khí thải từ sản lượng thủy sản tự nhiên tương đối thấp so với các loại protein động vật khác như thịt bò.

“Hơn nữa, chúng tôi tin rằng đóng góp lớn nhất mà MSC có thể làm để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu hiện nay không phải là thông qua việc theo dõi phát thải mà bằng cách đảm bảo rằng các nghề cá và các hệ sinh thái biển được đánh bắt theo cách mà chúng vẫn có thể chống chọi được biến đổi khí hậu"

Tiến sĩ Tyedmers nhấn mạnh nhu cầu cấp bách là tập trung vào phát thải khí nhà kính từ việc đánh bắt, mặc dù đóng góp chung của nghề đánh bắt tương đối nhỏ.

Ông cho biết: “Đây là một vấn đề quan trọng trong một thời điểm khi mọi người nói rằng chúng ta cần phải khử carbon”.

“Đó là một góc nhỏ của khí thải toàn cầu, nhưng đó là một góc mà chúng ta không thấy được vì vậy chúng ta cần phải tiến hành đánh giá”.

HNN (Theo independent.co.uk)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác