Tăng cường kết nối, hợp tác khai thác thủy sản Việt Nam - Châu Phi (14-10-2021)

Chiều 11/10/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiếp đoàn đại biểu của Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi để cùng nhau xem xét, trao đổi về việc đưa tàu cá của Việt Nam đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước châu Phi.
Tăng cường kết nối, hợp tác khai thác thủy sản Việt Nam - Châu Phi

Trước đó, ngày 9/9/2021, tại hội thảo “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết: Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi như Mozambique, Benin, Guinea, Senegal...

Liên quan đến hoạt động khai thác viễn dương, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định cụ thể các nội dung này như sau: Điều 53-54 Luật Thủy sản 2017 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017); Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17 tháng 08 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước”; Điều 46 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017.

Tiềm năng lớn ở thị trường 1,2 tỷ dân

Với 1,2 tỷ dân, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, liên kết khu vực và quốc tế gia tăng, châu Phi đang vươn mình trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới. Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và châu Phi đã tăng gấp gần 3 lần trong vòng một thập kỷ qua. Hàng hóa của Việt Nam có mặt tại hầu hết các nước châu Phi, trong đó, các thị trường lớn là Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà… Nhiều năm qua, tham gia thực hiện Chương trình hợp tác Nam – Nam (Việt Nam và các nước Nam châu Phi), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã huy động được 2.000 lượt chuyên gia của ngành Nông nghiệp Việt Nam sang giúp đỡ các nước châu Phi.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tích cực tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy hứa hẹn châu Phi, nhưng có không ít vướng mắc cần tháo gỡ, như thiếu thông tin về môi trường, tập quán kinh doanh, pháp lý, hệ thống chính sách và cơ chế thương mại, dẫn đến nhiều rủi ro đầu tư. Chính vì vậy, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Chung tay vì châu Phi xanh” và lễ ra mắt Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA) nhân kỷ niệm 58 năm Ngày châu Phi (25/5/1963 – 25/5/2021).

VAECA sẽ là cầu nối gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Châu Phi thông qua các hoạt động thương mại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, đầu tư, du lịch… VAECAhướng tới trở thành biểu tượng của niềm tin, cây cầu của tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam các nước Châu Phi trên nền tảng hợp tác, chia sẻ, tổng hợp sức mạnh riêng của từng nước trên con đường tiến tới hòa bình, thịnh vượng.

VAECA đồng thời là diễn đàn gắn kết và điểm đến của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có chung mục tiêu thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược, phát huy lợi thế cạnh tranh, phối hợp hành động song phương và đa phương, hướng tới cải cách kinh tế sâu rộng và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam và các nước Châu Phi.

Phát triển nghề khai thác viễn dương

“Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” trên quan điểm: Tổ chức cho tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản hợp pháp ngoài vùng biển Việt Nam đảm bảo an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững; phù hợp với đường lối, chủ trương và chính sách đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Việc tổ chức cho tàu cá và ngư dân đi khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam, quy định pháp luật của các quốc gia hữu quan, các cam kết quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết. Góp phần ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Thực hiện đầy đủ cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); tăng cường hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực và các tổ chức quản lý nghề cá thế giới. Theo đó, sẽ làm điểm tổ chức mô hình đưa doanh nghiệp và ngư dân đi hợp tác khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản với một số nước; trên cơ sở đó rút kinh nghiệm mở rộng các hình thức hợp tác, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế.

Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đối với tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc cấp phép đối với khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực khi đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cho phép hoặc được tổ chức quản lý nghề cá khu vực cấp hạn ngạch cho Việt Nam; (2) Tàu cá có đủ điều kiện hoạt động; đã được đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực ít nhất 06 tháng; có đủ trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá; thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc phù hợp; (3) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng hoặc chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp; thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có bảo hiểm, hộ chiếu; trên tàu hoặc một nhóm tàu phải có ít nhất một người biết sử dụng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật; (4) Đáp ứng điều kiện khác theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, không vi phạm khai thác bất hợp pháp; (2) Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); (3) Có quan sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển; (4) Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý; (5) Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu cá bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi, chọn số và thu trực canh (DCS) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB), thiết bị định vị vệ tinh (GPS); (6) Tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Tàu cá Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận hoặc cấp phép; Thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển mà tàu cá đến khai thác; Tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển và quy định của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà tàu cá đến khai thác;

Khi có sự cố tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự giúp đỡ, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá phải phát tín hiệu cấp cứu, kịp thời liên hệ với cơ quan chức trách của quốc gia, vùng lãnh thổ gần nhất; thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam nơi quốc gia, vùng lãnh thổ gần nhất, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, thuyền trưởng phải mang theo bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy tờ liên quan do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, giấy tờ liên quan do quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cấp khi tàu cá đến hoạt động trên vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý vụ việc xảy ra có liên quan đến người và tàu cá do tổ chức, cá nhân đưa đi khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt, chủ tàu/thuyền trưởng hướng dẫn, phổ biến cho thuyền viên tàu cá về quyền và trách nhiệm khi tiến hành khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Chủ tàu cá phải mua bảo hiểm cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá; chịu mọi chi phí trong quá trình đưa tàu cá đi khai thác ngoài vùng biển Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác