Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp (14-12-2020)

Chiều 12/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) tổ chức Đối thoại cấp cao lần thứ 5 hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Cuộc đối thoại diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của hai Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) Kotaro Nogami.
Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp

Trong cuộc đối thoại lần này, hai bên đã đánh giá sâu sắc lại các kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua; trên cơ sở đó thông qua nội dung và nhất trí cùng nhau triển khai Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2 (2020 - 2024).

Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự hợp tác của phía Nhật Bản trong thời gian qua trên tất cả lĩnh vực kinh tế –xã hội của Việt Nam nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Hai bên đã thường xuyên trao đổi hợp tác trên tất cả mọi mặt, ở các cấp liên Chính phủ, các Bộ, ngành, các nhóm SOM. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đã hợp tác trong các nội dung chính bao gồm: Các công trình thuỷ lợi, hạ tầng hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị nông nghiệp; Hỗ trợ Việt Nam hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp; Mở rộng các mô hình thí điểm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Đánh giá về các tiềm năng của đối tác Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với lợi thế tiềm năng rất lớn trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam, cộng với Nhật Bản là cường quốc lớn, những công nghệ chế biến nông sản hiện đại tầm cỡ thế giới và là trung tâm đào tạo nhân lực rất tốt cho phát triển nông nghiệp sẽ là cơ hội rất lớn cho hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích “Giai đoạn tới sẽ mở ra những triển vọng rất tốt đẹp, làm sâu sắc hơn, nâng mức quan hệ cao hơn ở cả 3 trục. Trục khu vực Chính phủ có những chương trình liên kết hợp tác, bên cạnh đó, trục khu vực doanh nghiệp và trục khu vực người dân cũng được đẩy mạnh thông qua các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực quản trị sản xuất từ hộ trang trại cho đến hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ”.

Trước đó, vào tháng 5/2015, nhân dịp chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản Giai đoạn 1 (2015 - 2019) tại Tokyo, Nhật Bản.

Tầm nhìn này tập trung hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam với các các nội dung chính gồm: Xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việc triển khai Tầm nhìn giai đoạn 2015-2019 đã hỗ trợ đắc lực cho nông nghiệp Việt Nam nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng cường nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước giải quyết được những bất cập trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần không nhỏ trong quá trình tái cơ cầu ngành nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Đánh giá về giai đoạn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 2 bên đã thúc đẩy được trao đổi nông sản, với tốc độ xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản tăng từ 10-12%/năm, cụ thể trong năm 2019 là 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, đã có 11 dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án vốn vay của Nhật Bản trong khuôn khổ Tầm nhìn giữa 2 Bộ, với tổng số vốn khoảng 750 triệu USD.

“Quá trình hợp tác đã hộ trợ đào tạo nhân lực, cụ thể là 20.000 kỹ thuật viên và nguồn nhân lực cao cấp của Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản. Đây là nguồn lực cần thiết cho tái cơ cấu nông nghiệp, không chỉ trước mắt mà còn trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn rất nhiều tiềm năng và dư địa cho thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp của hai bên trong thời gian tới. Nhóm các doanh nghiệp của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam với khoảng 6.000 dự án khoảng 60 tỷ USD, trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất thấp chỉ có khoảng 400 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới vào sản xuất, được người dân Nhật Bản rất ưa chuộng như: thủy sản, các loại trái cây…Trong chiến lược sắp tới chúng ta cần phải nghiên cứu và hợp tác để thúc đẩy hơn nữa thương mại hai chiều, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. Đặc biệt, cần tận dụng tối đa công nghệ để thúc đẩy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn phía Nhật Bản hỗ trợ nâng cao năng lực để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Kotaro Nogami cho biết, chúng ta đã có nhiều sự hợp tác trong thời gian qua, đồng thời chúng ta cần hợp tác sâu hơn nữa trong thời gian tới. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Kotaro Nogami khẳng định các hiệp định tự do hai bên đã ký kết như JVFTA, RCEP,…mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong hợp tác thương mại giữa hai bên. Chúng ta cần tận dụng tối đa tất cả các cam kết trong các hiệp định. Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục cùng với Việt Nam đẩy mạnh thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trong nông nghiệp. Tiếp tục Hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Nguyễn Xuân Cường, và Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Kotaro Nogami, chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác giữa 2 bên về hợp tác công nghệ trong thủy lợi và thoát nước và Bảo vệ nguồn tài nguyên biển, quản lý ngành ngư nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đúng trách nhiệm. Hai bên cũng nhất trí triển khai “Tầm nhìn Trung và Dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2 giai đoạn 2020 - 2024”, với các nội dung chính bao gồm: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp: các công trình thuỷ lợi, hạ tầng hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị nông nghiệp.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác