Công ty công nghệ Anh mong muốn hợp tác, hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam (05-02-2020)

Chiều ngày 03/02/2020, Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc với Công ty NLA International (Vương quốc Anh) để trao đổi phương án hợp tác, hỗ trợ công nghệ thủy sản, giám sát an ninh trên biển nhằm từng bước tháo gỡ “thẻ vàng”.
Công ty công nghệ Anh mong muốn hợp tác, hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam

Đoàn của Vương quốc Anh do ông Andy Hamflett (Giám đốc Công ty NLA International) làm Trưởng đoàn. Về phía Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đã cử bà Nguyễn Thị Phương Dung (Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế) điều hành cuộc họp. Cùng tham dự là các cán bộ đại diện cho 05 đơn vị có liên quan (thuộc Tổng cục Thủy sản): Vụ Khai thác thủy sản, Cục Kiểm ngư, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Thông tin thủy sản. Tại buổi họp, phía Anh bày tỏ mong muốn hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam vượt qua những khó khăn, vướng mắc về công nghệ, kỹ thuật liên quan đến chiếc “thẻ vàng”.

Thực hiện quản lý, giám sát của Việt Nam

Ngày 01/9/2017, Cục Kiểm ngư đã nhận được Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Theo đó: Cục Kiểm ngư tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản quản lý nhà nước chuyên ngành về kiểm ngư; Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Thanh tra chuyên ngành Thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành; Hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện quy định của pháp luật về thủy sản. Đặc biệt là, trực đường dây nóng những vấn đề đột xuất, phát sinh nghề cá trên biển; Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.

Đối với hoạt động Giám sát tàu cá: Kể từ ngày 01/3/2019, Trung tâm Thông tin thủy sản đã thực hiện nhiệm vụ quản lý hệ thống Giám sát tàu cá và dữ liệu Giám sát tàu cá toàn quốc; phân cấp cho địa phương khai thác dữ liệu Giám sát tàu cá, xử lý dữ liệu Giám sát tàu cá. Kết nối dữ liệu giữa hệ thống Giám sát tàu cá ở Trung ương với thiết bị giám sát hành trình (được lắp đặt trên các tàu cá). Đặc biệt là, Trung tâm Thông tin thủy sản quản lý tất cả các thông tin về hoạt động của tàu cá Việt Nam. Bên cạnh đó, tiến hành tổng hợp, xử lý dữ liệu từ hệ thống Giám sát tàu cá, nhằm phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, xử lý sự cố thiên tai…

Đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản đã xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; Quản lý, vận hành và phát triển; Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và các biện pháp bảo đảm an toàn Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; Đồng thời, làm đầu mối quản lý tài khoản quản trị, phân quyền cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Hàng năm, công bố công khai việc đánh giá, xếp hạng năng lực thực hiện việc cập nhật, khai thác và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản của các tổ chức. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng mạng lưới thông tin, thống kê, cơ sở dữ liệu hai chiều giữa Tổng cục Thủy sản với địa phương và các đơn vị thuộc ngành Thủy sản. Đặc biệt là, tổ chức công tác thống kê thủy sản hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm, phục vụ công tác quản lý, điều hành của Tổng cục Thủy sản

Hợp tác, hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam

Thay mặt Công ty NLA International (Vương quốc Anh), ông Andy Hamflett (Trưởng đoàn) bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với Tổng cục Thủy sản đã tạo điều kiện cho Đoàn có được sự đón tiếp nồng nhiệt. Theo ông, chuyến đi từ London đến Tổng cục Thủy sản lần này thực sự đáng giá và ông hy vọng đây sẽ là buổi gặp mặt, trao đổi đầu tiên trong số nhiều cuộc họp tương tự như vậy trong tương lai.

Giám đốc Andy Hamflett đã xác định, tùy vào nhu cầu của ngành Thủy sản Việt Nam, Công ty NLA International sẽ linh hoạt đáp ứng, nhằm hướng đến mối quan hệ hợp tác trong nhiều hoạt động quản lý nghề cá. Ông vui mừng khi nhận được các thông tin chia sẻ của phía Việt Nam về các ưu tiên (trước mắt) như: Dùng vệ tinh để theo dõi không gian biển, xác định các tàu thực hiện hoạt động thủy sản đáng ngờ; Hỗ trợ thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước tại các cảng biển; Tìm kiếm giải pháp phù hợp nhằm thực hiện tốt việc “truy xuất nguồn gốc”: Thông qua việc đo nồng độ các nguyên tố vi lượng và đồng vị trong các sản phẩm thủy sản cập cảng, sẽ giúp nhận biết số thủy sản được đánh bắt tại đâu. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận mới; Và Công ty NLA International sẽ tính toán, đưa ra cách tốt nhất để trình bày tổng quan về tất cả các khả năng. Ngoài ra, còn nhiều mục tiêu cũng cần hướng đến, như: Giảm thiểu hoạt động khai thác tận diệt (tiến tới chấm dứt hoàn toàn nạn dùng thuốc nổ để đánh bắt cá). Các cách tiếp cận sáng tạo để đánh giá chuẩn xác trữ lượng cá. Các giải pháp về quản lý nguồn lợi thủy sản. Tăng cường khả năng theo dõi thông tin qua mạng.

Theo Đoàn công tác của Anh, thực sự sẽ rất hợp lý khi bước tiếp theo sẽ là Tổng cục Thủy sản bố trí cho Công ty NLA International một cuộc họp mà tại đó các đơn vị chuyên trách của Thủy sản Việt Nam có thể gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc với một số thành viên của NLA International, nhất là về vấn đề công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Trước đó, Chính phủ Anh đã giúp Thái Lan trong hai năm để tháo gỡ “thẻ vàng”. Hiện cũng đang giúp Philippin giải quyết nạn “cá bị đánh trộm” (vì thu nhập từ đánh bắt cá là nguồn thu lớn của Philippin). Trong hoạt động này, Anh đã hỗ trợ 3 triệu bảng Anh cho Philippin thực hiện việc giám sát vùng đánh cá. Vì vậy, Tổng cục Thủy sản cần nêu rõ ràng, chi tiết những nhu cầu cấp thiết liên quan đến công nghệ, kỹ thuật cần hỗ trợ để Chính phủ Anh sẽ xem xét, linh hoạt cung cấp, đáp ứng.

Đối với vấn đề “thẻ vàng” mà ngành Thủy sản Việt Nam đang đối mặt, Công ty NLA International sẽ cố gắng thực hiện tất cả những gì có thể (đề xuất công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng, sáng kiến) để Chính phủ Anh nhanh chóng giúp Việt Nam, như từng giúp các quốc gia khác thành công. 

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác