Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm Giám sát tàu cá của Thái Lan (10-07-2019)

Sáng ngày 06/7/2019 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Giám sát tàu cá của Thái Lan với sự tham dự của ông Bundit Kullavanijaya – Trưởng nhóm giám sát tàu cá, Tổng cục Thủy sản Thái Lan cùng các đồng nghiệp đến từ Trung tâm Giám sát Nghề cá (Fisheries Monitoring Center – FMC).
Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm Giám sát tàu cá của Thái Lan

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các đơn vị trong Tổng cục Thủy sản, đại diện các Chi cục Thủy sản, đại diện các cảng cá của 28 tỉnh ven biển cũng như các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát tàu cá của Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - ông Nguyễn Quang Hùng và ông Trần Đình Luân đã tham dự và chủ trì Hội thảo.

Năm 2015, Thái Lan đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng vì các vi phạm quy định IUU trong khai thác hải sản cũng như có nguy cơ bị cấm xuất khẩu hoàn toàn các sản phẩm thủy hải sản vào thị trường Liên minh châu Âu nếu quốc gia này không có các giải pháp triệt để đối với tình trạng khai thác bất hợp pháp (IUU). Trước áp lực này, chính phủ Thái Lan đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm kiểm soát hành vi khai thác bất hợp pháp cũng như cải tổ Nghề cá của Thái Lan theo hướng có trách nhiệm với môi trường và tuân thủ các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế. Sau 4 năm nỗ lực và nghiêm túc thực hiện các cải cách, ngày 09/1/2019, EC đã quyết định đưa Thái Lan ra khỏi danh sách các quốc gia bị cảnh báo về hoạt động khai thác bất hợp pháp (IUU). Đây là thành công của không chỉ Nghề cá Thái Lan mà còn là tấm gương cho các quốc gia khác trong khu vực học tập trên con đường cải tổ và phát triển nghề cá hiện đại và có trách nhiệm.

Ngày 23/10/2017, EC chính thức đưa ra cảnh báo “thẻ vàng IUU” đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam. Cùng với thẻ vàng IUU, ngành Thủy sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy sản vào thị trường EU nếu Việt Nam không giải quyết triệt để vấn nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Bên cạnh đó, EC cũng đưa ra 9 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam thực hiện để được gỡ bỏ thẻ vàng, trong đó kiểm soát, giám sát tàu cá khai thác thủy sản của Việt Nam và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thủy sản khai thác là một trong những khuyến nghị được EC đưa ra đối với ngành Thủy sản Việt Nam.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Trung tâm Thông tin Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) trình bày hiện trạng và định hướng phát triển hệ thống giám sát tàu cá của Việt Nam, đồng thời ông Bundit Kullavanijiya cũng trình bày về hệ thống giám sát tàu cá của Thái Lan và cơ cấu tổ chức của Trung tâm giám sát tàu cá FMC. Sau đó, các đại biểu đã có phiên hỏi đáp trao đổi về kinh nghiệm tổ chức, quản lý tàu cá cũng như kinh nghiệm xây dựng, vận hành hệ thống giám sát tàu cá của Thái Lan. Các đại biểu cũng đã có buổi tham quan Phòng giám sát tàu cá – đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát tàu cá của Việt Nam, tại đây, đại diện Tổng cục Thủy sản Thái Lan đã thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi phương thức xây dựng và quản lý hệ thống giám sát tàu cá của Thái Lan cũng như đưa ra những lời khuyên chân thành và quý báu giúp Việt Nam xây dựng và vận hành hệ thống giám sát tàu cá đạt hiệu quả cao nhất.

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã gửi lời cảm ơn tới các đại biểu Thái Lan vì những kinh nghiệm quý báu được các bạn chia sẻ tại Hội thảo, đồng thời hy vọng hai quốc gia sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác không chỉ trong lĩnh vực giám sát tàu cá mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của nghề cá. Đại diện Tổng cục Thủy sản Thái Lan đã hứa sẽ nỗ lực hết sức để giúp Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác