Kinh nghiệm của Na Uy trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản (03-10-2018)

Trong hai ngày 01 - 02/10/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Đại Sứ quán Na Uy tại Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề về thủy sản Việt Nam - Na Uy. Hai bên đã chia sẻ thông tin về hoạt động quản lý trong lĩnh vực thủy sản; theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động khai thác thủy sản, thúc đẩy các thông lệ đánh bắt bền vững cũng như tìm hiểu kinh nghiệm của Na Uy trong việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kinh nghiệm của Na Uy trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Bà Grete Løchen, Đại sứ chỉ định Na Uy tại Việt Nam đã chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Thương vụ Na Uy tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, chuyên gia về thủy sản của hai nước, Chi cục Thủy sản một số tỉnh thành/phố, các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, trường đại học, các doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

Na Uy và Việt Nam đều là các quốc gia biển, đã trải qua nhiều thập kỷ hợp tác cùng nhau trong ngành thủy sản. Trong quá trình phát triển, Na Uy đã hỗ trợ nhiều cho ngành thủy sản của Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Hai bên đã cùng chia sẻ thông tin về hoạt động quản lý trong lĩnh vực thủy sản; theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động khai thác, thúc đẩy các thông lệ khai thác bền vững, chống khai thác bất hợp pháp. Các công ty và các chuyên gia về khai thác thủy sản của Na Uy đã thường xuyên chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển ngành thủy sản.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Trần Đình Luân cho biết, Na Uy là một trong những quốc gia có ngành thủy sản phát triển hàng đầu trên thế giới. Với những kinh nghiệm cũng như công nghệ có được trong ngành thủy sản đã đưa ngành phát triển một cách bền vững, đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Na Uy. Hai nước có nhiều lợi thế trong phát triển thủy sản đặc biệt là trong phát triển khai thác thủy sản. Chính vì vậy, cần tăng cường phối hợp giữa hai quốc gia để học hỏi những kinh nghiệm cũng như cách quản lý trong phát triển ngành thủy sản của Na Uy để vận dụng vào Việt Nam. Ông Trần Đình Luân cũng cho biết, trong thời gian qua, quan hệ nghề cá giữa Việt Nam và Na Uy đã được thiết lập toàn diện. Phía Na Uy cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều trong hoạt động điều tra nguồn lợi thủy sản, các dự án nâng cao năng lực trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức nhiều hội thảo nhằm giúp cho ngành thủy sản Việt Nam phát triển.

Về chiến lược phát triển của Việt Nam, Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh Việt Nam xác định thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn vì Việt Nam là một quốc gia biển, nằm ở khu vực nhiệt đới và có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển. Trong đó, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam trong những năm qua đã có những đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên khai thác thủy sản ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Với trách nhiệm là của một quốc gia có biển, Việt Nam ý thức rất cao trách nhiệm của mình đối với việc phát triển bền vững nghề cá. Vì thế, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình nhằm thực hiện các cam kết với các tổ chức quốc tế và khu vực trong việc thực hiện nghề cá có trách nhiệm. Việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm từ phía Na Uy với Việt Nam là cơ hội tốt để phía Việt Nam thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững”, ông Luân cho biết thêm.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đã giới thiệu về cơ chế quản lý thủy sản và kiểm ngư, quá trình xây dựng và phát triển, kinh nghiệm giảm bớt số lượng tàu đánh cá, hiện đại hóa đội tàu như một biện pháp chống IUU; thực tiễn sử dụng công nghệ trong hoạt động quản lý đại dương và bảo quản độ tươi ngon của các sản phẩm đánh bắt.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Grete Løchen đã khẳng định rằng, kinh tế biển; trong đó có thủy sản, khai  thác và chế biến đã, đang và sẽ tiếp tục là một lĩnh vực hợp tác quan trọng của Na Uy và Việt Nam cũng như doanh nghiệp hai nước. Na Uy sẽ cùng Việt Nam chia sẻ những cách thức quản lý hoạt động khai thác thủy sản, đưa nghề cá của hai nước phát triển một cách bền vững và có trách nhiệm. Đặc biệt, trong việc quản lý chống khai thác IUU.

Liên quan đến quản lý hoạt động khai thác thủy sản, trong Luật Thủy sản năm 2017 sắp có hiệu lực sẽ trở thành công cụ quản lý nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU; quản lý thủy sản, hoạt động thủy sản (cơ cấu tổ chức, tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị…) và chính sách phát triển thủy sản và cơ chế hiện đại hóa đội tàu…

Văn Thọ

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác