Huy động hơn 1,7 triệu USD theo hình thức Hợp tác Công tư để phát triển thủy sản bền vững (24-08-2018)

Ngày 22/8/2018, trong khuôn khổ của Hội chợ triển lãm thủy sản quốc tế - VIETFISH 2018, Tổng cục Thủy sản (D-Fish), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH) đã ký kết triển khai khởi động dự án“Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua tăng cường Hợp tác Công tư”.
Huy động hơn 1,7 triệu USD theo hình thức Hợp tác Công tư để phát triển thủy sản bền vững

Một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của ngành thủy sản hiện nay là vấn đề quản lý môi trường, quản lý dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Để giải quyết được những thách thức trên nhóm Hợp tác Công tư ngành Thủy sản bao gồm (Tổng cục Thủy sản; VASEP và IDH đồng chủ trì cùng với thành viên VINAFIS, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản – VIFEP, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức – GIZ, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên - WWF) thống nhất xây dựng và triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua tăng cường Hợp tác Công tư”. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 1.750.000 USD. Trong đó, đóng góp của khu vực Nhà nước là 300.000 USD, khu vực Tư nhân là 810.000 USD, của Tổ chức IDH là 510.000 USD và các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ là 110.000 USD.

 Mục tiêu của dự án đặt ra là nhằm quản lý 02 ngành hàng chủ lực là cá tra và tôm nước lợ một cách bền vững hơn. Đặc biệt, dự án hợp tác góp phần công khai minh bạch, quy trình sản xuất, năng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Tăng cường hiệu quả quản lí dịch bệnh trên cơ sở hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường cảnh báo dịch bệnh, cải thiện năng suất nuôi tôm và cá tra thông qua xây dựng quy trình nuôi tôm, cá tra theo chuỗi cung ứng. Và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chế biến tôm và cá tra xây dựng, cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần nâng cao tỉ lệ sống, giảm hoá chất, kháng sinh trong nuôi tôm và cá tra. Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tôm và cá tra xây dựng, cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Ngành Thủy sản nói riêng việc thực hiện các chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 và những năm tiếp theo đòi hỏi phải huy động và sử dụng hiệu quả một lượng vốn đầu tư lớn từ nhà nước và toàn xã hội. Trong bối cảnh ngân sách dành cho đầu tư phát triển ngày càng eo hẹp và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho ngành nông nghiệp nói chung và cho ngành thủy sản nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu cho đầu tư phát triển, giải pháp khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đối tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư và góp phần phát triển ngành thủy sản một cách bền vững.

 Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được thúc đẩy trở thành một cơ chế có thể giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp dựa trên việc huy động dòng vốn đầu tư và kiến thức, kỹ năng quản trị từ khu vực tư nhân để giúp khu vực công đổi mới theo định hướng phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp và cũng chỉ có chủ thể này mới hội đủ các điều kiện để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó là nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Chính vì vậy, đây là một ví dụ điển hình của mô hình Hợp tác Công tư nhằm huy động và phối hợp với một số nguồn lực từ khối Nhà nước và Tư nhân nhằm giải quyết vấn đề thách thức đối với sự phát triển bền vững của Ngành thủy sản Việt Nam hiện nay.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác