Hợp tác quốc tế trong ngành nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu (15-12-2016)

Vừa qua tại Hà Nội, Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2016 đã diễn ra với chủ đề hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Hợp tác quốc tế trong ngành nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu

Theo dự báo, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động bất lợi nhất của biến đổi khí hậu. Trên thực tế, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra từ cuối năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho thấy tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng của ngành nông nghiệp và đời sống của người nông dân, nông thôn. Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm ngàn hộ dân, hàng trăm nghìn ha lúa, rau màu, cây ăn quả và hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT, tổng cộng thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL khoảng 7.900 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp là ngành có đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, thời gian qua, đây cũng là lĩnh vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là vùng ĐBSCL. Nhiều diện tích trồng trọt và thủy sản chịu tác động nặng nề; ảnh hưởng tới hàng triệu hộ dân. Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam có những hành động quyết liệt để thích ứng biến đổi khí hậu trong đời sống, trong tái cơ cấu kinh tế, trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang cùng địa phương hoạch định những chương trình thích ứng cụ thể. Cùng đó, các tổ chức quốc tế cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng tránh rủi ro, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã phải kêu gọi các tổ chức quốc tế  hỗ trợ, huy động nguồn lực để thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tổng nguồn lực huy động cho ứng phó khẩn cấp tới thời điểm này đã đáp ứng 54,4% (26,4 triệu USD) tổng số nhu cầu hỗ trợ 48,5 triệu USD như trong kế hoạch đưa ra hồi tháng 4/2016. Và trong kế hoạch phục hồi từ nay cho đến năm 2020 theo tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng và tổng hợp của Bộ NN&PTNT ước tính là 23.537 tỷ đồng (tương đương 1.046 triệu USD).

Ông Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam cho rằng, nông nghiệp, thủy lợi hoặc bảo vệ bờ biển là những nhân tố quan trọng cho sự thích ứng khí hậu của ĐBSCL. Tuy nhiên, nếu thiếu sự phối hợp liên kết mạnh mẽ trong khu vực, những nỗ lực của Bộ NN&PTNT, các sở và các tổ chức khác sẽ khó mang lại thành công. Đức đã và đang hỗ trợ ngành nông nghiệp định hướng phục hồi vùng ven biển ĐBSCL trước tác động của biến đổi khí hậu; Chính phủ Đức sẵn sàng tiếp tục đồng hành trong những lỗ lực của ngành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để giải quyết bài toán này cần những giải pháp tổng thể; trong đó, phải có sự liên kết của tất cả các địa phương, cụ thể là theo vùng, từ đó mới giải quyết được những giải pháp căn cốt; Không chỉ riêng tổ chức sản xuất, giải pháp phần cứng mà phải bố trí cả giải pháp truyền thống, giải pháp phần cứng, phần mềm, kết hợp giữa sản xuất cũng như tổ chức lại điều kiện sản xuất của người sinh kế để đảm bảo có sự bền vững; Cần sự đồng lòng thống nhất của cả hệ thống, của cả xã hội từ cố gắng, quyết tâm của Chính phủ cho đến các doanh nghiệp, toàn bộ người dân. Mặt khác, với yếu tố nguồn lực, cần chủ trương huy động tổng nguồn lực theo cơ chế hợp tác công – tư (PPP) là một chủ trương chúng ta đang làm hoàn toàn đúng với khuyến cáo của các chuyên gia.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác