Cá giống lớn không phải lúc nào cũng tốt (07-03-2018)

Các nhà nghiên cứu tại CtrlAQUA đang làm việc trên cơ sở của một giả định rằng: Kéo dài thời gian nuôi cá hồi con ở các trang trại trên đất liền sẽ cải thiện sự phát triển và phúc lợi của cá hồi khi chuyển sang giai đoạn nuôi trên biển.
Cá giống lớn không phải lúc nào cũng tốt
Ảnh minh họa

Hơn nữa, kéo dài thời gian nuôi cá ở đất liền sẽ làm thời gian nuôi trên biển ngắn hơn, điều này thuận lợi hơn trong việc giảm thiểu rủi ro do bị rận biển tấn công cũng như giảm nguy cơ thất thoát cá ra khỏi lồng nuôi.

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cá hồi giống lớn đã sống trong điều kiện môi trường tốt trên đất liền thì có tỷ lệ chết thấp hơn đáng kể so với cá nhỏ hơn khi được chuyển ra nuôi ở biển.

Tuy nhiên, các thí nghiệm mới trên các nhóm cá có các kích cỡ khác nhau để chuyển ra biển cho thấy: cá có kích cỡ lớn nhất không nhất thiết là tốt nhất.

https://nofima-326d.kxcdn.com/wp-content/uploads/2018/03/Postsmolt-1024x400.jpg

Hình 1. Các thí nghiệm mới của Nofima và CtrlAQUA cho thấy rằng cá hồi giống lớn không phải lúc nào cũng đạt đến kích cỡ thương phẩm trước cá hồi giống nhỏ hơn (Nguồn: Nofima).

Trine Ytrestøyl, giám đốc dự án trên, cho biết câu hỏi đặt ra là quan trọng nhất là thời gian cá hồi ở biển được giảm thiểu hay là hiệu quả của toàn bộ chu kỳ sản xuất được ưu tiên xem xét?

Cá được thí nghiệm với ánh sáng, nước lợ và các kích cỡ khác nhau

Cá hồi (30 g/con) được nuôi trong các bể sử dụng nước tái chế tại cơ sở nghiên cứu của Nofima ở Sunndalsøra. Nhóm đối chứng được làm cho thích nghi để sống ở biển (smoltified) bằng cách kiểm soát ánh sáng (tín hiệu mùa đông) và đem ra biển khi đạt 100 g/con vào tháng 8. Các nhóm cá khác hoặc tiếp xúc với ánh sáng trong 24 giờ, hoặc cung cấp dấu hiệu mùa đông trong 6 tuần như ở nhóm đối chứng trong toàn bộ thời gian được nuôi trên đất liền. Cả hai chế độ ánh sáng đều được thí nghiệm trên cả nước ngọt và nước lợ, và cá được chuyển ra biển khi đạt khoảng 200 g/con vào tháng 10 hoặc 600 g/con vào tháng 12. Cá được thu hoạch vào cuối tháng 11 năm sau, khi chúng đạt khoảng 4,5 kg/con.

Tăng trưởng khác biệt

https://nofima-326d.kxcdn.com/wp-content/uploads/2018/03/IMG_0450-300x225.jpg

Hình 2. Cá hồi khi tiếp xúc với ánh sáng 24 giờ/ngày khi nuôi ở đất liền (con bên dưới) lớn hơn đáng kể vào lúc đem ra biển khi so với các con cá đã được báo hiệu mùa đông bằng cách cung cấp 12 giờ ánh sáng/ngày trong 06 tuần. Sau hơn một năm trên biển, những con cá đã tiếp xúc với ánh sáng 24 giờ/ngày vẫn còn lớn hơn một chút (Nguồn: Nofima).

Quay lại giả thuyết, có phải rằng kéo dài thời gian nuôi trên đất liền sẽ cải thiện tăng trưởng và phúc lợi của cá khi nuôi trên biển?

Chế độ hiệu quả nhất trong việc tái sử dụng các cơ sở nuôi là kết hợp giữa nuôi nước lợ và chiếu sáng 24 giờ/ngày trong toàn bộ giai đoạn nuôi cá hồi con trên đất liền. Ở kích cỡ 200 g/con thì việc không cung cấp tín hiệu mùa đông có ảnh hưởng tích cực nhất đến tăng trưởng của cá, nhưng ảnh hưởng này vẫn đáng kể đối với nhóm cá 600 g/con khi chuyển sang giai đoạn nuôi ở biển.

Nếu tính trong suốt thời gian nuôi, cá có tốc độ tăng trưởng tốt nhất là cá được chuyển ra biển lúc đạt 100 g/con sau khi trải qua quá trình làm cho thích nghi với môi trường biển truyền thống, còn những cá có trọng lượng 600 g/con thì có tốc độ tăng trưởng đạt thấp nhất. Loại thứ hai (600 g/con) ăn ít trong 3 tuần đầu tiên ở biển, đồng thời tăng trưởng chậm hơn vào mùa hè. Mặc dù cá giữa các nhóm có sự khác biệt về tăng trưởng, nhưng chúng đều có sự tăng trưởng tốt so với nuôi thương mại, với các yếu tố tăng trưởng (TGC) trong khoảng 2,9 - 3,3 ở giai đoạn nuôi biển.

Tỷ lệ sống của cá tham gia thí nghiệm ở giai đoạn nuôi biển là 93% và không có sự khác biệt giữa các nhóm. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả cá đều chịu đựng được khi chuyển sang môi trường nước biển, mặc dù không phải tất cả đều được làm thích nghi theo cách truyền thống bằng cách điều chỉnh ánh sáng.

Ytrestøyl nói: “Dường như cá hồi khá linh hoạt về thời điểm chuyển sang sống ở biển, và điều này cung cấp nhiều cơ hội cho các chiến lược sản xuất khác nhau”.

Thành thục sinh dục

Khi nuôi cá hồi trên đất liền, thành thục sinh dục sớm ở cá đực là một vấn đề. Điều này bị ảnh hưởng do chế độ ánh sáng và nhiệt độ đã kiểm soát tốc độ tăng trưởng của cá.

Ytrestøyl cho biết: “Có xu hướng rõ ràng theo chiều có nhiều cá đực thành thục sinh dục hơn trong cơ sở nuôi trên đất liền khi chúng đạt đến 600 g/con so với khi cá đạt 100 g/con và 200 g/con, nhưng không thấy được sự tương quan rõ ràng giữa chế độ ánh sáng hoặc độ mặn đến sự thành thục sinh dục. Trong giai đoạn nuôi biển, chúng tôi phát hiện ra rất ít cá đực thành thục sinh dục. Có lẽ tỷ lệ cá đực thành thục sinh dục sẽ lớn hơn nếu chúng vẫn ở trong cơ sở nuôi trên đất liền cho đến khi thu hoạch, nhưng đây không phải là nội dung của thí nghiệm này”.

Có nhiều phương thức nuôi đạt hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu kết luận là có nhiều chiến lược sản xuất khác nhau trong các hệ thống tuần hoàn để sản xuất cá hồi nhỏ. Thí nghiệm cho thấy, phương thức nuôi có hiệu quả nhất khi tận dụng các cơ sở nuôi cá ở trên đất liền không nhất thiết đem lại kết quả tốt nhất ở giai đoạn nuôi trên biển. Tuy nhiên, đối với người nuôi cá, có lẽ điều quan trọng nhất là giảm thiểu thời gian cá được nuôi trên biển.

Bởi vì cá có các thời gian sản xuất khác nhau ở giai đoạn trên đất liền nên chúng được chuyển ra biển ở các thời điểm khác nhau vào mùa thu, ở nhiệt độ và độ dài của ngày khác nhau.

“Đây là các yếu tố ảnh hưởng đến các mô hình tăng trưởng của cá hồi và do đó chúng ta phải thận trọng trước khi đưa ra kết luận về phương thức sản xuất nào trong hệ thống tuần hoàn là tốt nhất đối với sự phát triển của cá khi chuyển ra nuôi ngoài biển. Tuy nhiên, theo kết quả của thí nghiệm này, sử dụng cá hồi giống có trọng lượng 100 g/con theo truyền thống là chiến lược sản xuất hiệu quả nhất”, Ytrestøyl nói.

Còn phải xem liệu có thể thu được các kết quả tương tự như thế hay không nếu cá được chuyển sang giai đoạn nuôi biển vào mùa xuân với nhiệt độ nước biển tăng và ngày thì dài hơn.

Tuy nhiên, Ytrestøyl nhấn mạnh rằng để giảm thiểu rủi ro do bị rận biển tấn công cũng như nguy cơ thất thoát cá ra khỏi lồng nuôi, cần giảm thời gian cá hồi được nuôi ở biển và đây là những lưu ý quan trọng. Điều này cho thấy rằng có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời liên quan đến việc sản xuất hậu cá hồi giống lớn như thế nào và mùa vụ tại thời điểm chuyển ra biển có những ảnh hưởng ra sao đến hiệu quả sản suất ở giai đoạn nuôi biển. Các vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu tại CtrlAQUA.

Anh Chi (Theo Nofima)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác