Vi chất dẻo trong nước biển gây ảnh hưởng đến các loài thủy sản (28-09-2017)

Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Lund, các hạt nhựa phân tán trong nước có thể tích tụ trong các loài thủy sản, gây tổn thương não không hồi phục và ảnh hưởng đến hành vi của chúng.
Vi chất dẻo trong nước biển gây ảnh hưởng đến các loài thủy sản
Ảnh minh họa

Các chất dẻo không phân huỷ sinh học bị phân hủy thành “vi chất dẻo”, những mảnh vụn nhỏ dần dần làm ô nhiễm đại dương thế giới và thâm nhập vào động vật hoang dã. Khoảng 10% trong số tất cả các sản phẩm nhựa được sản xuất trên toàn cầu ước tính cuối cùng sẽ kết thúc ở biển, làm ngộ độc thực vật và động vật ở biển.

Các nhà khoa học từ Đại học Lund, Thụy Điển đã quan sát kỹ hơn chất thải nhựa truyền qua các sinh vật khác nhau trong các hệ sinh thái dưới nước như thế nào. Các hạt nhựa nhỏ được tiêu thụ bởi tảo và các sinh vật phù du, và sau đó các loài thủy sản lớn ăn tảo và các sinh vật phù du, điều này gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Cedervall, các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã có bằng chứng cho thấy chất dẻo nano có thể đi qua hàng rào máu lên não một cách hiệu quả và do đó tích tụ trong não các loài thủy sản. Trong thí nghiệm của họ, một chuỗi thức ăn tự nhiên đã được nhân rộng bằng cách sử dụng bọ nước và cá diếc.

Ngoài việc gây ra các thiệt hại về thể chất do ngộ độc, nó ảnh hưởng một cách tiêu cực đến hành vi của các loài thủy sản. Sự hiện diện của chất dẻo nano trong não có liên quan đến việc ăn uống chậm hơn và hành vi ít khám phá biển, có tác động bất lợi đối với quần thể thủy sản. Trên phạm vi rộng hơn, những ảnh hưởng như vậy có thể ảnh hưởng đáng kể đến các hệ sinh thái tự nhiên, vì các loài ăn thịt hàng đầu có ảnh hưởng quan trọng đến các mức dinh dưỡng và các chức năng hệ sinh thái thấp hơn. Một kết luận khác là các hạt nano phá hủy các sinh vật phù du.

Tuy nhiên, Cedervall tránh rút ra kết luận về việc các hạt nhựa có thể tích tụ trong các mô khác và do đó có khả năng lây truyền qua con người thông qua việc ăn hải sản.

Nghiên cứu được tiến hành trong sự hợp tác giữa các khoa sinh hóa và sinh học cấu trúc cũng như khoa học môi trường và sinh thái dưới nước tại Đại học Lund và được xuất bản trên tạp chí khoa học Scientific Reports.

Việc sản xuất vật liệu nhựa đã tăng rất nhiều trong những thập kỷ qua. Chất thải nhựa chiếm khoảng từ 60 đến 80% tổng số các mảnh vụn ở biển, ảnh hưởng đến hàng trăm loài thủy sinh do bị chúng vướng vào và nuốt phải các mảnh vụn này.

Sau khi tiếp cận các đại dương thông qua các nhà máy xử lý nước thải, xử lý chất thải hoặc chất lắng đọng trên không, vật liệu nhựa vỡ thành các mảnh nhỏ thông qua các hoạt động của ánh sáng mặt trời, sóng, sinh vật sống và muối. Khi đạt đến kích thước nano, chúng có thể vượt qua các rào cản sinh học, xâm nhập các mô và tích tụ trong các cơ quan, có thể ảnh hưởng đến hành vi và sự trao đổi chất của các loài thủy sản.

Theo dự đoán năm 2016 của Quỹ Ellen MacArthur, đến năm 2050 sẽ có nhiều chất thải nhựa hơn các loài thủy sản ở biển, trừ khi chu kỳ sản xuất thay đổi. Kể từ năm 1964, sản xuất nhựa đã tăng gấp 20 lần và dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và gần gấp bốn lần vào năm 2050.

HNN (Theo sputniknews)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác