Tiềm năng to lớn của vi tảo như là một nguyên liệu trong thức ăn thủy sản. (03-04-2017)

Một dự án của Viện Thực phẩm Quốc gia, thuộc Đại học Kỹ thuật Đan Mạch cho thấy vi tảo có thể là một nguyên liệu thức ăn thủy sản bền vững khi được sản xuất ở quy mô thương mại trong điều kiện của Đan Mạch.
Tiềm năng to lớn của vi tảo như là một nguyên liệu trong thức ăn thủy sản.
Nguồn: phys.org

Trong dự án, những ý tưởng đã được phát triển thành hiện thực để nuôi, thu hoạch, sấy khô và bảo quản 02 loài tảo giàu protein, chất chống oxy hóa và các acid béo omega-3.

Sự gia tăng sản lượng thức ăn thủy sản để đáp ứng cho phát triển của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản đã làm cho kinh tế và môi trường ngày càng trở nên không bền vững nếu cứ tiếp tục sử dụng bột cá như là một thành phần quan trọng trong thức ăn cho các loài thủy sản.

Trong số các biện pháp được tìm kiếm để thay thế bột cá một cách bền vững thì vi tảo được chú ý đến, bởi vì chúng chứa hầu hết các dưỡng chất mà các loài thủy sản cần. Tuy nhiên, sản xuất thương mại vi tảo thông qua quá trình quang hợp cho đến nay vẫn tỏ ra quá tốn kém. Vì vậy, cần phải có các phương pháp mới để vi tảo trở thành một thành phần thức ăn thủy sản có hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả và thân thiện môi trường

Trong một dự án của Viện Thực phẩm Quốc gia, các nhà nghiên cứu đã khảo sát rộng rãi các loài vi tảo khác nhau. Họ đã xác định được hai loại tảo có chứa hàm lượng cao protein và/hoặc các acid béo omega-3 cũng như các chất chống oxy hoá. Hai loại tảo này thích hợp cho việc phát triển trong điều kiện của Đan Mạch. Họ cũng đã phát triển các phương pháp để thu hoạch, làm khô và bảo quản sinh khối tảo, đảm bảo rằng các chất có giá trị trong sinh khối bị xấu đi ít nhất có thể.

Hai loài tảo này (Nannochloropsis salina và Chlorella pyrenoidosa) được nuôi trong nước theo quy trình công nghiệp - một môi trường tăng trưởng có giá thành thấp, giàu dưỡng chất và không có các chất độc hại.

Phương pháp sấy mới thân thiện với môi trường. Phương pháp này sử dụng ít hơn 30% năng lượng so với các kỹ thuật sấy phun hiện đang được sử dụng. Theo đó, vi tảo được sấy khô trong một luồng không khí trong buồng sấy được thiết kế đặc biệt. Quy trình sấy ít ảnh hưởng đến các sắc tố và các acid béo omega-3 trong sinh khối so với phương pháp sấy phun.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể điều chỉnh qui trình sấy này để sử dụng về lâu dài cho các loài tảo khác cũng như đối với các loại sinh khối khác. Viện Thực phẩm Quốc gia đang chờ cấp bằng sáng chế về kỹ thuật.

Phương pháp có thể phát hiện nhiễm các sinh vật

Ngay cả những thay đổi nhỏ trong điều kiện tăng trưởng cũng có thể dẫn đến sự phát triển của sinh vật không mong muốn trong sinh khối tảo. Điều này làm cho tảo không thể sử dụng được trong thức ăn thủy sản. Do đó, trước hết cần chọn những loài ít nhạy cảm hơn và thứ hai là có hệ thống để có thể nhanh chóng xác định các sinh vật gây ô nhiễm trong sinh khối trong quá trình nuôi.

Trong dự án, một phương pháp đã được phát triển để có thể theo dõi các sinh vật như vậy trong sinh khối dễ dàng hơn và nhanh hơn các phương pháp hiện có bằng cách phân tích thành phần của các acid béo và các sắc tố.

Chiết xuất sắc tố

Loài Chlorella pyrenoidosa có chứa các sắc tố như lutein và các carotenoid khác. Các sắc tố này có thể được sử dụng làm màu tự nhiên trong các sản phẩm thực phẩm. Việc chiết xuất và bán sắc tố như một sản phẩm riêng biệt sẽ làm cho việc sản xuất vi tảo dùng trong thức ăn thủy sản có lợi hơn.

Anh Chi (Theo phys.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác