Nghệ An: Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 1 năm 2023 ước đạt trên 12.000 tấn (08-02-2023)

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, sản lượng khai thác thủy sản (KTTS) trong tháng 1 năm 2023 ước đạt 12.159 tấn, giá trị ước đạt 237,32 tỷ đồng; trong đó khai thác biển đạt 11.638 tấn, bằng 6,85% so với kế hoạch năm, bằng 100 % so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 521 tấn, bằng 10,42% so với kế hoạch năm, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch năm 2023 sản lượng KTTS ước đạt 187.000 tấn, trong đó khai thác biển ước đạt 182.000 tấn, khai thác nội đồng ước đạt 5.000 tấn.
Nghệ An: Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 1 năm 2023 ước đạt trên 12.000 tấn
Ảnh minh họa

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.392 tàu thuyền KTTS. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký là 2.495 chiếc (tính đến ngày 17/01/2023). Nghề khai thác hải sản khá đa dạng, với nhiều loại ngư lưới cụ, tập trung chủ yếu vào 07 nhóm : nghề lưới Kéo với 695 tàu, chiếm 27,86%, nghề lưới Vây với 154 tàu, chiếm 6,17%, nghề lưới Rê với 827 tàu, chiếm 33,15%, nghề Câu với 93 tàu, chiếm 3,73%, nghề Chụp với 565 tàu, chiếm 22,64%, nghề dịch vụ hậu cần với 33 tàu, chiếm 1,32% và nghề khác với 128 tàu, chiếm 5,13% tổng số. Cơ cấu các nghề khai thác từng bước ổn định; lao động KTTS không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đến 17/01/2023 số lượng lao động tham gia KTTS toàn tỉnh trên 16.790 người.

Trên cơ sở hạn ngạch được phân bổ, Nghệ An được cấp 1.242 giấy phép KTTS ở vùng khơi; 654 giấy phép KTTS vùng lộng; 1.953 giấy phép KTTS vùng ven bờ. Toàn tỉnh có 1.117/1.140 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 97,98%. Số tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị VMS là 23 chiếc, chiếm tỷ lệ 2,02%;

Qua rà soát, trong tháng số lượt tàu thông báo cập cảng là 174 lượt; số lượt tàu được giám sát là 174 lượt với sản lượng được giám sát là 177,43 tấn; tỷ lệ sản lượng đã giám sát/sản lượng khai thác địa phương là 177,43/11.638 tấn, đạt tỷ lệ 1,52%. Việc ghi, nộp nhật ký dần được cải thiện hơn, ngư dân đã chủ động ghi nhật ký khai thác và nộp cho cảng cá khá kịp thời, tuy nhiên chất lượng nhật ký khai thác chưa cao, vẫn còn tình trạng ghi số mẻ khai thác ít, số lượng không chính xác, thiếu thông tin,...

Đồng thời, các Tổ công tác Liên ngành đã kiểm tra 133 lượt tàu rời cảng, kiểm tra 133 lượt tàu cá cập cảng. Đối với các tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, các Tổ công tác Liên ngành đã phối hợp với Đồn Biên phòng, Chính quyền địa phương làm việc với các chủ tàu cá để xác định nguyên nhân và có biện pháp nhắc nhở và cam kết không tái phạm.

Chi cục Thủy sản phối hợp với các lực lượng có liên quan thực hiện 10 ngày tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Các đoàn đã kiểm tra được 85 lượt phương tiện và phát 85 tờ rơi tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, các quy định về khai thác IUU cho các chủ tàu/ thuyền trưởng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển, khu vực cửa sông, của lạch, tìm kiếm cứu nạ được 42 đợt/151 lượt cán bộ chiến sỹ; kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập tại cửa sông, cửa bến và bến đậu được 3.431 lượt phương tiện/15.015 lượt lao động. Qua kiểm tra các lực lượng đã tuyên truyền, phổ biến cho các chủ tàu/thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu cá các quy định về Luật Thủy sản 2017, quy định về chống khai thác IUU.

Mặt khác, công tác tập huấn, truyền thông về IUU được thực hiện thường xuyên. Trong tháng tổ chức 01 lớp tập huấn các nội dung quy định về công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép cho tàu cá, các quy định về khai thác IUU và các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các cán bộ phụ trách thủy sản địa phương, các chủ tàu, thuyền trưởng với 50 người tham gia. Mặt khác, tổ chức tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống khai thác IUU cho ngư dân được 39 buổi/265 lượt ngư dân tham gia; phát tờ rơi tuyên truyền cho 398 chủ tàu đi KTTS về các nội dung chống khai thác IUU, không xâm phạm vùng biển nước ngoài và các quy định về lắp đặt, duy trì thiết bị giám sát hành trình; tuyên truyền vận động đến tận từng Tổ đồng quản lý, Hợp tác xã, Tổ đội sản xuất và đến tận từng hộ dân về chống khai thác IUU,..

Để hoạt động KTTS đạt hiệu quả, tháng 2 năm 2023 tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU trước mắt, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần 4, cụ thể:

 Đôn đốc chỉ đạo quyết liệt hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép KTTS, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá theo quy định; thường xuyên rà soát, thống kê và cập nhật số lượng tàu cá địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.

 Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước theo quy định, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để theo dõi, kiểm soát và xử lý tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn của tỉnh khác để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi khai thác IUU.

 Đồng thời, rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động KTTS, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân. Tập trung nguồn lực đảm bảo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Nghệ An khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử phạt 100% các trường hợp tàu cá Nghệ An vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và xử phạt 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị VMS. Đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật thủy sản và chống khai thác IUU, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về chống khai thác IUU đến với cộng đồng ngư dân và các thành phần liên quan.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác