Nghệ An: Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 ước đạt trên 201 nghìn tấn (27-12-2022)

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, tổng sản lượng khai thác thủy sản (KTTS) năm 2022 ước đạt 201.198,1 tấn, giá trị ước đạt 4.788,069 tỷ đồng; trong đó khai thác biển ước đạt 193.885,3 tấn, bằng 106,53% so với kế hoạch năm, bằng 100,47% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng ước đạt 7.312,8 tấn, bằng 146,26% so với kế hoạch năm, bằng 105,68% so với cùng kỳ năm trước.
Nghệ An: Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 ước đạt trên 201 nghìn tấn
Ảnh minh họa

Theo thống kê, toàn tỉnh có 3.398 tàu thuyền KTTS, trong đó, tàu cá thuộc diện đăng ký có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên là 2.501 chiếc. Nghề KTTS khá đa dạng, với nhiều loại ngư lưới cụ, tập trung chủ yếu vào 07 nhóm nghề.

Trong tổng số 2.501 chiếc tàu cá thuộc diện phải đăng ký thì nghề lưới Kéo với 696 chiếc, chiếm 27,83% tổng số, nghề lưới Vây với 158 chiếc, chiếm 6,31% tổng số, nghề lưới Rê với 829 chiếc, chiếm 33,15% tổng số, nghề Câu với 92 chiếc, chiếm 3,68% tổng số, nghề Chụp với 565 chiếc, chiếm 22,59% tổng số, nghề dịch vụ hậu cần với 33 chiếc, chiếm 1,32% tổng số và nghề khác với 128 chiếc, chiếm 5,12% tổng số. Cơ cấu các nghề khai thác từng bước ổn định về số lượng tàu và phát triển chiều sâu. 

Lao động KTTS không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, số lượng lao động tham gia KTTS toàn tỉnh trên 16.825 người. Hàng năm có khoảng 700 ngư dân được đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ các chức danh lao động trên tàu cá theo quy định. Hiện tỷ lệ thuyền viên đã có chứng chỉ chuyên môn đạt trên 90%.

Đến thời điểm hiện tại, cả 04 cảng cá trên đã được tỉnh Nghệ An công bố mở cảng, đều là cảng cá Loại II. Trong số các cảng cá này, đã có 03 cảng cá được công bố là cảng cá chỉ định, có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Cơ quan chức năng của tỉnh đã cấp 1.242 giấy phép KTTS ở vùng khơi; 654 giấy phép khai thác vùng lộng; 1.953 giấy phép KTTS vùng ven bờ với các nghề sau: lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, chụp, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, lồng bẫy và nghề khác.

Tổng số tàu cá được cấp đăng ký 2.501 chiếc, bằng 100% số tàu thuộc diện phải đăng ký; số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.182/1.686 chiếc thuộc diện phải đăng kiểm, đạt 70,11% số tàu ≥ 12m, đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác; công tác đánh dấu tàu cá tại các địa phương đã được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.

Việc cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm VNFishbase được thực hiện thường xuyên và đầy đủ. Tổng số tàu cá đã cập nhật lên phần mềm đạt 100% tổng số tàu cá đã đăng ký. Tỉnh Nghệ An có 1.123/1.146 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 97,99%, số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị VMS là 23 chiếc, chiếm tỷ lệ 2,01%.

Qua rà soát, trong năm 2022, số lượt tàu thông báo cập cảng là 3.165 lượt; số lượt tàu được giám sát là 3.072 lượt với sản lượng là 4.823,20 tấn; tỷ lệ sản lượng đã giám sát/sản lượng khai thác địa phương là 4.823,20/193.885,3 tấn, đạt 2,49%. Việc ghi, nộp nhật ký dần được cải thiện hơn, ngư dân đã chủ động ghi nhật ký khai thác và nộp cho cảng cá khá kịp thời, tuy nhiên chất lượng nhật ký khai thác chưa cao, chưa chính xác, thiếu thông tin,... Cảng cá đã thu 3.184 nhật ký KTTS và kiểm tra 2.166 lượt tàu rời cảng, 2.176 lượt tàu cá cập cảng, với tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá là 4.224,01 tấn. 

Đối với các tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, sau khi có Thông báo của Chi cục Thủy sản, các Tổ công tác Liên ngành đã phối hợp với Đồn Biên phòng, Chính quyền địa phương làm việc với các chủ tàu cá để xác định nguyên nhân và có biện pháp nhắc nhở và cam kết không tái phạm.

Chi cục Thủy sản xử phạt vi phạm hành chính 68 vụ/68 đối tượng/67 phương tiện với tổng số tiền xử phạt là 217 triệu đồng; tịch thu 3 bộ kích điện, 15m dây điện. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 69 vụ/103 đối tượng/103 phương tiện với tổng số tiền xử phạt là 728,5 triệu đồng; tịch thu 18 bộ công cụ kích điện; 96m dây điện. Chính quyền địa phương các cấp xử phạt vi phạm hành chính 01 vụ/01 đối tượng/01 phương tiện với số tiền xử phạt 3,5 triệu đồng.

Để hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, trong năm 2023 tỉnh Nghệ An sẽ đôn đốc quyết liệt hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS; thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép KTTS, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá theo quy định; thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng tàu cá địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.

Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản; theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để theo dõi, kiểm soát và xử lý tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn của tỉnh khác để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi khai thác IUU.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; thực hiện có hiệu quả công tác xác minh đối với các tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, đặc biệt là tàu cá mất kết nối trên 10 ngày khi đang hoạt động trên biển; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định.

Rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động KTTS theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân; xây dựng “Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác