Quảng Ninh bắt giữ các đối tượng sử dụng kích điện khai thác thủy sản (17-03-2017)

Thực hiện tháng cao điểm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (từ 17-2 đến 17-3), Đồn Biên phòng Trà Cổ, Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 14 vụ/14 phương tiện tàu sử dụng kích điện và chất nổ để đánh bắt cá, gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Chỉ tính riêng trong hai ngày 12 và 13/3/2017, tại khu vực bến Mũi Ngọc, phường Bình Ngọc, Thành phố Móng Cái, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Trà Cổ đã phát hiện và bắt giữ 09 tàu vỏ gỗ có tàng trữ và sử dụng các bộ kích điện (gồm ắc quy loại 12V và bộ kích điện loại 8 tụ) để khai thác thủy sản trái phép.
Quảng Ninh bắt giữ các đối tượng sử dụng kích điện khai thác thủy sản
Ảnh minh họa

Đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện là một cách khai thác “tận diệt”, làm cạn kiệt nguồn lợi và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Trong vòng bán kính 2m, các loài tôm, cá, thủy sinh, cá con, trứng cá và sinh vật phù du đều bị xung điện hủy diệt. Hệ quả của việc đánh bắt đó phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thuỷ sinh. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vi phạm nhưng chưa nhận thức được về hành vi đánh bắt thủy sản bằng kích điện hay thuốc nổ là vi phạm pháp luật; chưa hiểu rõ tác hại của nó môi trường biển cũng như nguy hiểm cho chính người đánh bắt cá.

Hành vi sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản là hành vi bị cấm và người vi phạm sẽ bị áp dụng chế tài phạt được quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013.

Các mức xử phạt hành vi sử dụng xung điện khai thác thủy sản như sau:

          1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

          2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.

          3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản như sau:

          a) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét nước;

          b) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;

          c) Phạt tiền từ 9.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa;

          d) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;

          đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa.

          e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.

          4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.

Ngoài ra, một số hình thức xử phạt bổ sung cũng được quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP.

                                                                   Thu Cúc – TT Thông tin Kiểm ngư

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác