Quảng Nam: Phân cấp quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động KTTS tại vùng biển ven bờ (23-03-2023)

Ngày 15 tháng 3, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 03/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam: Phân cấp quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động KTTS tại vùng biển ven bờ
Ảnh minh họa

Đối tượng áp dụng tại Quy định này là cá nhân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam; tổ chức được thành lập hợp pháp và có trụ sở chính tại tỉnh hoạt động KTTS tại vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thẩm quyền quản lý tàu cá được phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động KTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức đăng ký tàu cá, cấp phép KTTS, đăng ký thuyền viên tàu cá và hướng dẫn đánh dấu tàu cá, kiểm tra trang thiết bị an toàn tàu cá đối với tàu cá KTTS có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét của các tổ chức, cá nhân tại địa phương mình theo đúng quy định.

Đồng thời, Quy định cũng nêu rõ các nội dung công tác quản lý tàu cá được phân cấp: Tổ chức cấp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, cấp giấy chứng nhận xoá đăng ký tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên và hướng dẫn đánh dấu tàu cá; cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép KTTS; kiểm tra trang thiết bị an toàn đối với tàu cá được phân cấp theo quy định. Tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ tàu cá thuộc diện được phân cấp.

Quản lý, giám sát các hoạt động nghề cá trên địa bàn nói chung và hoạt động của các tàu cá theo phân cấp nói riêng; các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Thu và quản lý lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước; tổ chức việc neo đậu tàu cá được phân cấp theo đúng khu vực quy định.

Ngoài ra, cấp số đăng ký tàu cá theo quy định sau: Số đăng ký tàu cá gồm 03 nhóm chính, giữa các nhóm được phân cách bởi dấu "-", tính từ trái sang phải được quy định: Nhóm thứ nhất: Các chữ cái viết tắt tên tỉnh Quảng Nam: QNa; nhóm thứ hai: Là số thứ tự có 05 số, được quy định theo từng huyện, thành phố, thị xã như sau: Huyện Núi Thành: 06000 đến 07299; Thành phố Tam Kỳ: 07300 đến 07799; Huyện Thăng Bình: 07800 đến 08499; Huyện Duy Xuyên: 08500 đến 08999; Thị xã Điện Bàn: 09000 đến 09299; Thành phố Hội An: 09300 đến 09999. Nhóm thứ ba: Gồm 03 chữ: TS.

Địa phương được phân quyền quản lý tàu cá có trách nhiệm cụ thể như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các quy định liên quan nội dung công tác quản lý tàu cá, các biện pháp quản lý tàu cá được phân cấp. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng có hoạt động KTTS tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, quy định pháp luật vực thủy sản.

Hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác đăng ký tàu cá, cấp phép KTTS, đăng ký thuyền viên tàu cá, kiểm tra trang thiết bị an toàn tàu cá phân cấp, đánh dấu tàu cá; thu thập, tổng hợp, báo cáo số liệu; cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản trên các vùng nước tự nhiên; rà soát, bàn giao hồ sơ tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét về cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý theo đúng quy định.

UBND huyện, thị xã, thành phố có hoạt động KTTS: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn có liên quan, quán triệt chủ trương của UBND tỉnh về quản lý tàu thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét và các hoạt động KTTS tại vùng biển ven bờ đến các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tình hình quản lý và các hoạt động khai thác ven bờ của tàu thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét trên địa bàn. Tổ chức thực hiện quản lý tàu cá theo phân cấp; tổ chức đăng ký tàu cá, cấp phép KTTS, đăng ký thuyền viên tàu cá, kiểm tra trang thiết bị an toàn tàu cá, đánh dấu tàu cá được phân cấp theo quy định.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có hoạt động KTTS quản lý chặt chẽ tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; vận động, hướng dẫn xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý nghề cá.

Tổ chức thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép KTTS, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; cấp giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định. Tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản đối với các tàu cá phân cấp theo quy định pháp luật.

UBND, phường, thị trấn có hoạt động KTTS: tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về quản lý tàu cá theo phân cấp, không để phát sinh mới tàu cá không đúng quy định. Thống kê, phục vụ công tác quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Thuỷ sản năm 2017. Kịp thời thông tin đến cơ quan chuyên môn các trường hợp phát sinh mới tàu cá không đúng quy định; phối hợp vận động, hướng dẫn xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý nghề cá, tổ tự quản khai thác hải sản ven bờ.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác