Nghệ An: ban hành “Quy trình lắp đặt, tháo dỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá” (23-09-2022)

Tháng 8 năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã ban hành “Quy trình lắp đặt, tháo dỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá”.
Nghệ An: ban hành “Quy trình lắp đặt, tháo dỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá”
Ảnh minh họa

Để thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, theo dõi, giám sát các hoạt động lắp đặt, tháo dỡ lắp đặt lại, thay thế thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá Nghệ An vi phạm hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngày 25/8/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã ban hành “Quy trình lắp đặt, tháo dỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá”. Quy trình này áp dụng với: Chi cục Thủy sản; các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình (đã được Tổng cục Thủy sản thông báo đủ điều kiện cung cấp thiết bị); chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

05 bước lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá

Bước 1 - Đăng ký lắp đặt VMS: Chủ tàu thông báo về nhu cầu lắp đặt VMS trên tàu cá đến Đơn vị cung cấp thiết bị đã được Tổng cục Thủy sản thông báo đủ điều kiện cung cấp. Đơn vị cung cấp thiết bị thông báo thông tin chính xác về tính năng, giá cả VMS và các dịch vụ kèm theo cho chủ tàu.

Bước 2 - Lắp đặt, niêm phong VMS trên tàu cá: Chủ tàu cá cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tàu cá (bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật tàu cá…) để Đơn vị cung cấp VMS cập nhật thông tin vào phần mềm Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản đúng quy định (Mẫu 01). Đối với những tàu lắp đặt mới phải có xác nhận của Chi cục Thủy sản Nghệ An vào tờ khai Mẫu 01. Chủ tàu cá và Đơn vị cung cấp VMS ký kết hợp đồng mua bán (thể hiện rõ các điều khoản liên quan đến việc thu phí thuê bao sử dụng dịch vụ vệ tinh hàng tháng: giá cả, thời gian, cách thức thu cước phí...).

Đơn vị cung cấp, lắp đặt VMS ở vị trí thông thoáng, chắc chắn, cố định trên bộ phận gắn liền với thân tàu cá và không ảnh hưởng đến việc truyền phát sóng của thiết bị VMS lên vệ tinh. Ăng-ten của VMS không lắp đặt gần với ăngten radar hay các ăng-ten phát xạ khác hoặc nơi đọng nước, gần ống xả của máy tàu, gần dàn đèn cao áp, khu vực dễ bị tác động của nhân tố con người trong quá trình hoạt động. Thiết bị VMS đặt ở trong tầm kiểm soát của thuyền trưởng để thuận tiện theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị. Nút bấm khẩn cấp “SOS” nên để trong cabin tàu, có bảo vệ tránh va chạm. Thuyền trưởng chỉ sử dụng nút “SOS” khi tàu cá gặp sự cố cần trợ giúp trong quá trình hoạt động trên biển. Trên tàu phải có hướng dẫn lắp đặt thiết bị và bảng hướng dẫn sử dụng (trên bảng có thông tin tối thiểu: số điện thoại hỗ trợ 24/24h, tên, địa chỉ liên hệ của Đơn vị cung cấp thiết bị).

Đơn vị cung cấp VMS niêm phong thiết bị lắp đặt trên tàu cá theo mẫu niêm phong đã thông báo đến Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý của tỉnh Nghệ An, đảm bảo mỗi số đăng ký tàu cá chỉ có một mã nhận dạng thiết bị và một mã kẹp chì duy nhất. Tuyệt đối không cấp kẹp chì dự phòng cho chủ tàu; lưu lại hình ảnh vị trí lắp đặt, tình trạng niêm phong của VMS để cung cấp cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu (Biên bản lắp đặt, bàn giao để làm căn cứ). Chủ tàu cá và Đơn vị cung cấp VMS tiến hành nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.

Bước 3 - Hướng dẫn sử dụng: Đơn vị cung cấp VMS hướng dẫn chủ tàu/thuyền trưởng sử dụng VMS và đưa ra các khuyến cáo liên quan trong quá trình sử dụng. Sau khi được sự đồng ý của Tổng cục Thủy sản Đơn vị cung cấp VMS cung cấp tài khoản truy cập, APP và hướng dẫn chủ tàu/thuyền trưởng giám sát tàu cá của mình theo tài khoản được cấp.

Bước 4 - Đồng bộ dữ liệu tàu cá lên Hệ thống giám sát tàu cá: Đơn vị cung cấp thiết bị cập nhập đầy đủ, chính xác thông tin về tàu cá và VMS được lắp đặt trên tàu cá; đồng bộ dữ liệu tàu cá lên Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, đảm bảo thông tin được bảo mật theo quy định.

Bước 5 - Báo cáo số liệu: Đơn vị cung cấp VMS cung cấp danh sách tàu cá lắp đặt VMS về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thủy sản) trước 17h hàng ngày (nếu có phát sinh lắp đặt mới) và đột xuất khi có yêu cầu để cập nhật báo cáo theo quy định. Chi cục Thủy sản tổng hợp báo cáo cho các cơ quan khi có yêu cầu.

06 bước tháo dỡ lắp đặt lại, thay thế VMS trên tàu cá

Bước 1 - Thông báo trạng thái VMS: Chủ tàu cá thông báo tình trạng VMS lắp đặt trên tàu cá cần bảo hành, sửa chữa, thay thế đến Đơn vị cung cấp VMS và Chi cục Thủy sản.

Bước 2 - Kiểm tra hiện trạng: Đơn vị cung cấp VMS kiểm tra cụ thể tình trạng hoạt động của VMS và gửi Biên bản kiểm tra (nội dung biên bản phải thể hiện rõ nguyên nhân, thời gian, giải pháp xử lý VMS bị mất kết nối) đến Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thủy sản) trong vòng 05 ngày kể từ khi kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị. Trường hợp thiết bị cần thu hồi để bảo hành, sửa chữa phải kiểm tra lại xem đúng thông tin niêm phong trước đó hay không, nếu đúng thông tin đã báo cáo Chi cục Thủy sản trước đó sẽ tiến hành thực hiện tại “Bước 4 - Thu hồi thay thế VMS”. Nếu khác, phải báo cáo Chi cục Thủy sản, lập biên bản và chỉ thực hiện khi có xác nhận của Chi cục Thủy sản.

Bước 3 - Bảo hành, sửa chữa VMS: Đơn vị cung cấp VMS bảo hành, sửa chữa đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định. Sau khi bảo hành, sửa chữa, Đơn vị cung cấp VMS phải thực hiện lắp đặt, niêm phong, khai báo thông tin thiết bị theo Quy trình lắp đặt VMS trên tàu cá (quá trình thực hiện phải có Biên bản để làm căn cứ).

Bước 4 - Thu hồi thay thế VMS: Thu hồi VMS cũ và thay thế VMS mới. Sau khi đã thu hồi VMS cũ, Đơn vị cung cấp phải tiến hành lắp đặt VMS mới thay thế và thực hiện niêm phong, khai báo thông tin VMS theo “Bước 2 - Lắp đặt, niêm phong VMS trên tàu cá” (quá trình thực hiện phải có Biên bản để làm căn cứ).

Bước 5 - Xác nhận, đồng bộ lại dữ liệu lên Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản: Đơn vị cung cấp VMS gửi Email xác nhận đến Chi cục Thủy sản (trambo.tsna@gmail.com) để hỗ trợ đồng bộ lại dữ liệu tàu cá lên Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản với VMS mới sau khi thực hiện “Bước 4 - Thu hồi thay thế VMS”. Chi cục Thủy sản kiểm tra thông tin và gửi Email xác nhận đến Tổng cục Thủy sản để hỗ trợ đồng bộ lại dữ liệu tàu cá với thiết bị mới; sau đó Tổng cục Thủy sản phản hồi thông tin xác nhận đến Chi cục Thủy sản và các Đơn vị cung cấp VMS.

Bước 6 - Báo cáo số liệu: Đơn vị cung cấp VMS báo cáo danh sách tàu cá đã được bảo hành, sửa chữa, thay thế VMS (bao gồm mã thiết bị thu hồi và mã thiết bị lắp đặt mới) về Chi cục Thủy sản vào thứ 6 hàng tuần và đột xuất khi có yêu cầu để cập nhật số liệu báo cáo theo quy định. Chi cục Thủy sản tổng hợp báo cáo cho các cơ quan khi có yêu cầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị cung cấp VMS, chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thực hiện nghiêm, đầy đủ nội dung tại Quy trình này; Chi cục Thuỷ sản thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung tại Quy trình, đồng thời tiến hành theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thuỷ sản theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thuỷ sản) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác