Bình Thuận: Triển khai hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (13-07-2022)

Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) trên địa bàn tỉnh. Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu kịp thời phổ biến cho ngư dân về điều kiện, thủ tục để được hỗ trợ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị VMS trên tàu cá khi hoạt động trên biển theo đúng quy định pháp luật.
Bình Thuận: Triển khai hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Ảnh minh họa

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị quyết này đến tất cả đối tượng được thụ hưởng chính sách là chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS về trình tự, thủ tục hồ sơ hỗ trợ, bảo đảm việc hỗ trợ chặt chẽ, đúng đối tượng, tránh trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS của chủ tàu một cách chặt chẽ, đúng đối tượng, đảm bảo thủ tục hồ sơ theo quy định; tổ chức theo dõi, giám sát việc vận hành, sử dụng thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá theo đúng quy định, quy chế của Chính phủ, Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng phối hợp cơ quan quản lý thủy sản, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân về điều kiện, thủ tục hỗ trợ để thực hiện kịp thời, thuận lợi; phối hợp kiểm tra kỹ thuật thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá, gồm lắp đặt, vận hành, kích hoạt trên hệ thống giám sát tàu cá; phối hợp theo dõi, giám sát việc chấp hành quy định, quy chế quản lý, sử dụng thiết bị VMS trên tàu cá, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị quyết đến tất cả đối tượng được thụ hưởng chính sách trên địa bàn quản lý. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền cấp xã ký xác nhận đơn đề nghị hỗ trợ của chủ tàu đã lắp đặt thiết bị VMS để gởi cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ theo quy định. Chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị VMS trên tàu cá khi hoạt động trên biển theo đúng quy định pháp luật.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 1.950 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS. Sau hơn 2 năm, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa đạt 100% về việc lắp đặt thiết bị VMS, dù một trong những tỉnh có tỷ lệ lắp thiết bị giám sát cao nhất nước.

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26 của Chính phủ, tất cả các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (gọi tắt VMS) trước 1/4/2020. Đây cũng là điều kiện để thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, cũng như nhằm khắc phục nội dung khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU).

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) trên địa bàn tỉnh. Với mức hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Mức hỗ trợ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) cho mỗi tàu cá.

Để được hưởng hỗ trợ kinh phí trên các chủ tàu cá phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Thứ nhất, là tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đăng ký tại Bình Thuận, có đầy đủ các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực; Giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực.

 Thứ hai, là thành viên tổ đội hoặc nghiệp đoàn nghề cá hoặc hợp tác xã khai thác thủy sản; không vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU).

Thứ ba, Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá nằm trong danh mục các thiết bị giám sát hành trình được Tổng cục Thủy sản thẩm định và thông báo; thiết bị giám sát hành trình phải là thiết bị mới 100% tại thời điểm lắp đặt và phải đáp ứng yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ tư, chủ tàu phải có có cam kết quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác