Thành phố Đã Nẵng nhiều năm nay không có tàu cá nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ xử lý (05-06-2022)

Thời gian qua, Đà Nẵng tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá nhằm ngăn chặn, giảm thiểu các hoạt động khai thác hải IUU. Nhờ vậy, thành phố Đã Nẵng nhiều năm nay không có tàu cá nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ xử lý.
Thành phố Đã Nẵng nhiều năm nay không có tàu cá nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ xử lý
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố có 1.024/1.217 tàu cá đã đánh dấu tàu cá theo quy định, trong đó, có 315/315 chiếc hoạt động tại vùng ven bờ, 153/320 chiếc hoạt động tại vùng lộng và 556/582 chiếc hoạt động vùng khơi đã thực hiện đánh dấu tàu cá. Đối với 193 tàu cá chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, do 167 chiếc đậu bờ không hoạt động, trễ hạn đăng kiểm và 26 chiếc hư hỏng, đậu bờ, không đủ điều kiện hoạt động vùng khơi nên chưa thực hiện đánh dấu tàu cá. Tính từ đầu năm 2022 đến 15/4/2022, tổng số tàu cá của thành phố đã được đăng ký, đăng kiểm là 286 chiếc; ký cấp 547 sổ danh bạ thuyền viên; xóa đăng ký 04 tàu. Chi cục Thủy sản đã có văn bản gửi các Phường có quản lý tàu cá và các Đồn Biên phòng để phối hợp thông báo cho chủ tàu thực hiện đánh dấu theo quy định, đồng thời xử lý vi phạm và kiên quyết không giải quyết đi biển đối với các trường hợp trễ hạn đăng kiểm và chưa đánh dấu tàu cá.

Chi cục Thủy sản đã hoàn thành rà soát, thống kê, báo cáo số liệu thực tế về tàu cá Đà Nẵng đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản tại địa phương và cập nhật 100% số liệu tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia VNFishbase.

Tính đến nay có 552/582 tàu cá thành phố Đà Nẵng có chiều lớn nhất từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), còn 30 tàu không đủ điều kiện lắp đặt thiết bị, cụ thể có 16 tàu hiện tạm ngừng hoạt động do hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, thiếu lao động; 01 tàu chìm chưa làm thủ tục xả bản; 02 tàu cháy chưa khục phục; 10 tàu có công suất dưới 90CV không đủ điều kiện hoạt động vùng khơi; 01 tàu đã bán khỏi địa phương nhưng chưa rút hồ sơ.

Chi cục Thủy sản đã tổ chức trực theo dõi, giám sát, phối hợp xử lý thông tin tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, tàu cá vi phạm vùng khai thác hải sản theo quy định. Tại cảng cá Thọ Quang, công tác kiểm soát tàu cá ra vào có 4.482 lượt tàu cập cảng bán cá; tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng là 19.823 tấn.

Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá đã tiếp nhận, kiểm tra thông tin đăng ký, đăng kiểm, giám sát hành trình, nhật ký khai thác,.. của 2.744 lượt tàu cá cập cảng. Đã lập 433 biên bản kiểm tra tàu cá cập cảng và 512 biên bản kiểm tra tàu cá rời cảng. Sau khi rà soát phát hiện xử lý các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, không cho xuất bến đi khai thác hải sản. Thường xuyên tra cứu thông tin tàu cá cập cảng cá trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá quốc gia, cơ sở dữ liệu VNFishbase, danh sách tàu cá khai thác IUU do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố,..

Đã cấp 03 xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác cho 03 lượt doanh nghiệp với tổng khối lượng là 166.880 kg và cấp 27 chứng nhận thủy sản khai thác cho 05 lượt doanh nghiệp với tổng khối lượng là 367.842,28 kg; xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng trong mỗi đợt tuần tra kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Từ đầu năm 2022 đến ngày 20/4/2022, đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch; đã xử phạt hành chính 02 trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động thủy sản với tổng số 50 triệu đồng.

Ngoài ra, công tác tập huấn, truyền thông về IUU được đẩy mạnh, Chi cục Thủy sản đã xây dựng phương án tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, biển đảo và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Với những kết quả đã đạt được như trên góp phần cùng với cả nước chống khai thác IUU gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Để tăng cường hoạt động chống khai thác, trong thời gian tới thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng cường triển khai công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá Thọ Quang, kiểm soát giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; tiếp tục công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU và quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường phối hợp với các đơn vị hỗ trợ ngư dân theo dõi hoạt động tàu cá, cảnh báo vi phạm qua thiết bị VMS và hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp ngăn ngừa sự cố mất tín hiện giám sát hành trình. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, đặc biệt là tàu cá vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, tàu cá không lắp đặt thiết bị VMS theo quy định, tàu cá lắp thiết bị VMS nhưng làm vô hiệu hóa thiết bị khi hoạt động trên biển.

Bên cạnh đó, rà soát, lập danh sách tàu cá Đà Nẵng có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác hải sản bất hợp pháp theo quy định; tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương về tăng cường quản lý khai thác thủy sản và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác