Quy I năm 2022 tỉnh Kiên Giang không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài (30-05-2022)

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang đã quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị và địa phương trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Trong Qúy I năm 2022 tỉnh Kiên Giang không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Quy I năm 2022 tỉnh Kiên Giang không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài
Ảnh minh họa

Theo đó, Tỉnh Ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Các Sở, ngành và địa phương đã quán triệt và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương có liên quan, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU.

Đã tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về chống khai thác IUU; tổ chức 257 cuộc tuyên truyền với 8.595 lượt tham dự, cấp phát 7.6000 biểu mẫu, tờ rơi, tờ bướm,.. Ngoài ra, cấp phát cho ngư dân 1000 thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hưởng ứng việc chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu,.. Qua đó, sự hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của người dân, chủ tàu, thuyền trưởng, nhất là cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp thủy sản về các quy định của pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, trong Qúy I năm 2022, tỉnh Kiên Giang không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 31/3/2022, số giấy phép đã cấp theo hạn ngạch cho tàu cá có chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét là 956 chiếc, chiếm 62,25; số giấy phép đã cấp cho tàu cá có chiều dài từ 6 mét đến dưới 12 mét là 907 chiếc, chiếm 20,7 %. Tổng số tàu cá được đăng ký là 9.859 chiếc, đã được cập nhật đầy đủ 100% trên hệ thống cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia VNFishbase.

Toàn tỉnh có 3.950 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); đã có 3.667/3.950 chiếc đã lắp thiết bị VMS, đạt 92,8%, số còn lại chưa lắp thiết bị VMS là 283/3.950 chiếc, chiếm 7,25%.

Cơ quan chức năng của Tỉnh  đã tổ chức trực 24/24 giờ giám sát hệ thống theo dõi, cập nhật dữ liệu tàu cá của địa phương với Trung tâm giám sát dư liệu tàu cá của Trung ương, tổng hợp xử lý, cung cấp thông tin hoạt động của tàu cá do tỉnh quản lý; khai thác thông tin trên hệ thống giám sát tàu cá phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, tai nạn tàu cá trên địa bàn tỉnh; kịp thời thông báo, cảnh báo đối với tàu cá có gắn thiết bị VMS mất kết nối với hệ thống, có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác IUU trong và ngoài nước, có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.

Thực hiện nghiêm các quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên vượt qua ranh giới cho phép trên biển hay không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển theo quy định,.. và quy trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản và các hành vi vi phạm khác phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình trên địa bàn Tỉnh.

Công tác giám sát sản lượng tại cảng cá chỉ định Tắc Cậu và An Thới vẫn duy trì thực hiện đúng theo quy định; Ban quản lý cảng cá cũng đã xây dựng các quy trình về giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ hàng qua cảng và quy trình xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại các cảng cá chỉ định, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp khi có yêu cầu,..

Theo thống kê, trong Quý I/2022 có 697 thông báo tàu cá cập cảng trên 697 tàu cập cảng; sản lượng giám sát hàng thủy sản là 13.714 tấn; số nhật ký thu được là 697 bộ, đã cấp 64 giấy biên nhận bốc dỡ hàng qua cảng với số lượng 435.434 kg.

Chi cục Thủy sản phối hợp với Ban quản lý cảng cá Kiên Giang và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng triển hai thành lập 05 Đoàn thanh tra tại cảng cá Tắc Cậu theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã kiểm tra 968 lượt tàu cá cập cảng, trong đó tàu cá trên 24 mét là 266 lượt, tàu cá dưới 24 mét là 702 lượt. Qua thanh tra kiểm tra không có phương tiện nào vi phạm.

Cùng đó, đã cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản là 27 giấy, sản lượng 803.701 kg. Cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ các tỉnh khác là 22 giấy; cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác tại tỉnh là 02 giấy xác nhận với sản lượng 235,044 tấn sản phẩm thủy sản.

Thực hiện 12 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, trong đó có 07 đoàn thanh tra trên biển. Qua công tác thanh tra, kiểm soát trên biển phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 34 trường hợp vi phạm hành chính vơi số tiền nộp phạt 800 triệu đồng; xử phạt hành chính về thiết bị giám sát hành trình với số tiền 1 tỷ 212 triệu đồng.

Chi cục Thủy sản tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt 22 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển với số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 569 triệu đồng,..

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Kiên Giang vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần khắc phục như, chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS theo quy định; vẫn còn nhiều tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát hành trình và vượt ranh giới trên biển,..

Vì vậy, thời gian tới, UBND Tỉnh tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bàn thi hành Luật, các quy định liên quan về chống khai thác IUU.

Tập trung rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, các địa bàn trọng điểm tại địa phương,.. đã vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, để tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp về dân vận cơ sở; tuyên truyền vận động cộng đồng ngư dân và các thành phần có liên quan không thực hiện hành vi vi phạm, đề cao tinh thần ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức và cá nhân vì lợi ích kinh tế cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành lắp đặt thiết bị VMS, tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển; tổ chức triển khai đúng quy định về công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đảm bảo theo chuỗi, có sự kiểm tra đối chiếu dữ liệu giữa các bên có liên quan, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase, hệ thống giám sát hành trình tàu cá phục vụ cho công tác truy xuất  nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.

Cùng với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông các quy định pháp luật về chống khai thác IUU đảm bảo kịp thời, cập nhật đầy đủ để cộng đồng ngư dân ven biển và các thành phần có liên quan tuân thủ thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác