Quảng Trị không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ (25-04-2022)

Thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được triển khai quyết liệt và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Quảng Trị không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, quý I năm 2022, Sở đã tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo, thực hiện công tác chống khai thác IUU; thành lập các đoàn công tác lưu động phối hợp với các địa phương triển khai hướng dẫn các tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên, công suất dưới 90CV thực hiện cải hoán để hoạt động khai thác thủy sản đúng vùng biển quy định.

Các đơn vị chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, tổ chức làm việc với các chủ tàu cá vi phạm, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác IUU, nhất là các nội dung như vượt ranh giới vùng biển cho phép trên hệ thống giám sát hành trình, ngắt, không bật và không duy trì hoat động thiết bị VMS trên tàu cá, khai thác sai vùng, không chấp hành công tác kiểm tra tàu cá tại cảng, không chấp hành cập cảng chỉ định,..

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền chống khai thác IUU được đẩy mạnh. Trong quý I năm 2022, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 05 lớp tập huấn tại các xã ven biển, hướng dẫn, phổ biến các văn bản pháp luật Luật Thủy sản 2017, các nội dung chống khai thác bất hợp pháp, các quy định pháp luật về hàng hải, quy định của các nước trong khu vực…

Tổng số tàu cá toàn tỉnh đến ngày 15/3/2022 là 2.882 chiếc với tổng công suất là 143.367 CV. Trong đó, tàu cá có chiều dài dưới 6 mét là 1.602 chiếc; tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên là 1.280 chiếc. Các nghề khai thác chủ yếu là nghề lưới rê các loại có 2.310 chiếc, nghề lưới vây có 99 chiếc, nghề câu có 32 chiếc, nghề khác có 441 chiếc.

Quý I năm 2022, có 07 tàu cá được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Trong đó, có 03 tàu cá đăng ký chuyển nhượng, 04 tàu cá đăng ký cải hoán nâng cấp; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá có 49 chiếc, trong đó cải hoán 03 chiếc; kiểm tra định kỳ, bất thường và hàng năm 46 chiếc; xóa đăng ký 25 chiếc.

Đã triển khai đánh dấu tàu cá cho khối tàu trên 24 mét là 18/18 chiếc, đạt tỷ lệ 100%; khối tàu cá từ 15 đến 24 mét là 235/241 chiếc, đạt tỷ lệ 97%; khối tàu cá từ 12 đến 15 mét là 100/176 chiếc, đạt tỷ lệ 56,8%; khối tàu cá dưới 12 mét là 863/863 chiếc, đạt tỷ lệ 100%.

Toàn tỉnh có 241 tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Tính đến thời điểm này có 176/241 tàu cá lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 73%. Số tàu cá chưa lắp thiết bị VMS là 65 chiếc, hiện nay đã có 52 tàu cá đang làm thủ tục cải hoán chiều dài tàu cá xuống dưới 15 mét để hoạt động tại vùng lộng đúng quy định, không phải lắp đặt thiết bị VMS. Như vậy, trong thời gian tới tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị VMS của tỉnh được nâng cao hơn.

Đến nay, Quảng Trị có 220 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, trong đó vùng khơi là 191/241 giấy phép, đạt 79,2%; vùng lộng là 24/176 giấy phép, đạt tỷ lệ 13,6%; vùng bờ là 5/863 giấy phép, đạt tỷ lệ 0,58%.

Trong tháng 3, tính đến ngày 15/03/2022 đã tổ chức kiểm tra 114 lượt tàu rời cảng và 84 lượt tàu cá cập cảng; thu nộp, nhật ký khai thác thủy sản các thuyền Trưởng tại cảng cá ngày càng đi vào nề nếp, với kết quả đến 15/3/2022 thu được 263 cuốn nhật ký khai thác thủy sản. Công tác xác nhận và chứng nhận thủy sản từ khai thác đã được hướng dẫn đến các chủ tàu, chủ hàng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân đến đề nghị cấp giấy xác nhận và chứng nhận thủy sản từ khai thác.

Trong quý I năm 2022 đã tổ chức tuần tra 02 chuyến biển, đồng thời đã tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra tàu cá tại cảng, đã xử lý 07 trường hợp vi phạm khai thác IUU, phạt tiền 17,5 triệu đồng với các hành vi : không có tên trong danh sách sổ danh bạ thuyền viên, 01 trường hợp bốc dỡ sản phẩm không đúng cảng chỉ định, 02 trường hợp không thông báo trước 01 giờ cho Ban quản lý cảng cá,.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản về cơ chế phối hợp liên ngành trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn, chấm dứt viêc tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Đồng thời, Sở đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát hoạt động trên biển; tổ chức tuần tra xử lý các tàu cá khai thác vi phạm IUU trong đợt cao điểm tháng 8, tháng 9 và thành lập đường dây nóng để trao đổi thông tin giữa hai bên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Hệ thống neo đậu của cảng cá Cửa Việt đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu cập cảng khi có nhiều tàu cá cập cảng; nhân lực để thực hiện công tác chống khai thác IUU còn hạn chế; tàu Kiểm ngư đã cũ, chưa đáp ứng được công tác tuần tra kiểm soát trên biển…

Cùng đó, ngư trường nguồn lợi thủy sản có giá trị tập trung vào vùng bờ và vùng lộng, đặc biệt là các nghề pha xúc khai thác cá cơm, nghề lưới rê khai thác cá thu vào vụ Bắc, nghề lồng bẩy khai thác ghẹ, ốc hương và mực lá; một số tàu cá chưa chấp hành nghiêm cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản…

Do vậy, thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, góp phần trong công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác