Cà Mau: 98,92% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (22-07-2021)

Xác định việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện hiệu quả các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 1.464 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), trong đó có 1.480 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS theo quy định, đạt tỷ lệ 98,92%.
Cà Mau: 98,92% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định
Ảnh minh họa

Thực hiện Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương liên quan đến chống khai thác IUU. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, tổ chức thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung triển khai công tác tuyên truyền; lắp đặt thiết bị VMS; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra cảng, vào cảng và hoạt động trên biển; chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo yêu cầu của EC; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm theo quy định,..

Đặc biệt, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nươc ngoài để khai thác IUU, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp: Tuyên truyền vận động ngư dân khai thác đúng theo quy định của pháp luật; buộc chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản vẫn còn diễn ra. Từ đầu năm 2020 đến nay, có 06 tàu cá trên 52 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Trong đó, Malaysia bắt 01 tàu cá trên 08 thuyền viên; Thái Lan bắt giữ 05 tàu cá trên 44 thuyền viên, so với năm 2019 giảm 06 tàu cá trên 12 thuyền viên.

Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS, đến ngày 04/6/2021 trên toàn tỉnh có 1.464 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS, trong đó có 1.480 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS theo quy định, đạt tỷ lệ 98,92%. Còn 16 tàu cá chưa lắp thiết bị VMS, trong đó có 04 tàu cá cho ngư dân tỉnh Kiên Giang thuê, 12 tàu cá đang hoạt động trên biển; các tàu cá này đều trễ hạn đăng ký, đăng kiểm; đối với các tàu cá chưa lắp thiết bị VMS, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Chi cục Kiểm ngư vùng 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Sở Nông nghiệp và PTNT 28 tỉnh ven biển để phối hợp quản lý, xử phạt theo quy định. Thiết bị VMS trên tàu cá được kẹp chì đúng quy định và lưu giữ hình ảnh.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Sở ban hành quy trình  lắp đặt, tháo gỡ thiết bị VMS trên tàu cá; xây dựng, trình ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh. Thông qua hệ thống giám sát tàu cá thống kê, lập danh sách 960 tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, xử phạt 06 trường hợp cố ý tác động làm mất tín hiệu kết nối của thiết bị giám sát hành trình, với số tiền là 175 triệu đồng. Phát hiện, kêu gọi trở về vùng biển Việt Nam 130 tàu cá vượt ranh giới trên biển; xử phạt 01 trường hợp tàu cá cố ý vượt ranh giới trên biển nhiều lần để khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, với số tiền 1.027,5 triệu đồng và tịch thu tàu cá.

Đối với tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các giải pháp: Thành lập Tổ theo dõi, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá để trực ban 24/7 giờ; tiếp nhận thông tin, phản hồi kết quả xử lý tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên theo quy định; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận báo cáo vị trí 06 giờ/lần của chủ tàu cá, thuyền trưởng; lập danh sách tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, sử dụng Trạm bờ tại Chi cục Thủy sản để phát thông báo trên tần số 8006MHz và gửi thông báo đến chủ tàu cá yêu cầu liên lạc với thuyền trưởng để kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị VMS; phát hành thông báo để phối hợp với các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển trên 10 ngày; mời chủ tàu cá làm việc, yêu cầu khắc phục, buộc cam kết không tái phạm; không giải quyết cho tàu cá ra biển hoạt động và không gia hạn đăng ký, đăng kiểm trường hợp thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu kết nối theo quy định; kết hợp tuyên truyền các quy định liên quan cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá khi thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển tỉnh luôn được tăng cường, thường xuyên, đột xuất. Từ năm 2020 đến nay, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU là 158 vụ với số tiền là 8.715 triệu đồng.

Hiện nay tỉnh có hai cảng cá chỉ định do Bộ Nông nghiệp &PTNT công bố đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác qua cảng (Sông Đốc và Rạch Gốc), công tác kiểm tra tàu cá ra cảng và vào cảng chỉ tập trung vào hai cảng cá này. Từ đầu năm 2021 đến nay, kiểm tra 9.134 lượt tàu cá ra, vào cảng cá; giám sát sản lượng thủy sản qua cảng là 18.229 tấn; thu 4.126 quyển nhật ký khai thác thủy sản; cấp 76 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, với khối lượng xác nhận là 4.720 tấn sản phẩm và 94 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, với khối lượng chứng nhận là 2.058 tấn sản phẩm.

Nhìn chung công tác quản lý hoạt động khai thác, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, đã được tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ, có hiệu quả, bước đầu mang lại kết quả tốt, ngư dân từng bước thực hiện đúng quy định về chống khai thác IUU. Tình hình ngư dân và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép đã được kiểm soát, ngăn chặn tốt hơn so với năm trước; Phần lớn ngư dân đã chủ động lắp đặt thiết bị VMS, tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản cũng như chấp hành tốt công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng, vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài ngày càng giảm thiểu,...

Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn dưới Luật tạo khung pháp lý hoàn thiện, phù hợp với quy định quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện công tác chống khai thác IUU. Công tác tuyên truyền chống khai thác IUU được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, như tàu cá và ngư dân vi phạm các quy định về khai thác IUU còn xảy ra, đặc biệt vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh Cà Mau tiếp tục tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các quy định về khai thác IUU cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để hiểu rõ, nắm chắc và cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống khai thác IUU. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện ký cam kết của ngư dân. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động thanh tra, kiểm soát nghề cá; kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cửa bến, cảng cá; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cửa bến, trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác IUU và bắt buộc chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền các nước.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác