Xã hội hóa công tác Đăng kiểm tàu cá (17-04-2019)

Ngày 08/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP; Trong đó, có một số quy định về Đăng kiểm tàu cá.
Xã hội hóa công tác Đăng kiểm tàu cá
Ảnh minh họa

Theo hướng dẫn tại Điều 55, Cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I - Đăng kiểm tất cả các loại tàu cá; Cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II - Đăng kiểm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét; Cơ sở đăng kiểm tàu cá loại III - Đăng kiểm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét. Điều 73 quy định Tổ chức đăng kiểm tàu cá đang hoạt động trước ngày Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tiếp tục được hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện trước ngày 01/01/2020.

Theo hướng dẫn tại Điều 56, Cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I phải đáp ứng được 04 điều kiện sau: (1) Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập (đối với trường hợp là cơ sở đăng kiểm công lập) hoặc được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã; Độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính với tổ chức/cá nhân kinh doanh tàu cá, đóng mới, cải hoán tàu cá, thiết kế tàu cá; (2) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu: Có thiết bị nhập và lưu trữ dữ liệu; có thiết bị được kết nối mạng và truyền dữ liệu với các cơ quan liên quan về hoạt động đăng kiểm tàu cá của cơ sở; có dụng cụ, trang thiết bị phục vụ kiểm tra kỹ thuật; (3) Có đăng kiểm viên trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, có ít nhất 01 đăng kiểm viên hạng I và 02 đăng kiểm viên hạng II; (4) Thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương.

Cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II phải đáp ứng các quy định (1), (2) và (4) nêu trên; Đồng thời, phải có đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, có ít nhất 02 đăng kiểm viên hạng II.

Cơ sở đăng kiểm tàu cá loại III phải đáp ứng các quy định (1) và (2); Đồng thời, phải có đăng kiểm viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, khai thác thủy sản; trong đó, tối thiểu 01 đăng kiểm viên hạng II; Có quy trình kiểm tra, giám sát kỹ thuật tàu cá phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá.

Cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I và loại II được phép thành lập các chi nhánh trực thuộc gần với nơi neo đậu tàu cá hoặc gần các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, mỗi chi nhánh phải đáp ứng quy định (2) và bảo đảm đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, cơ khí tàu thuyền hoặc khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, tối thiểu 02 đăng kiểm viên hạng II trở lên đối với chi nhánh của cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I và 01 đăng kiểm viên hạng II trở lên đối với chi nhánh của cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II.

Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác