Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (16-05-2018)

Sáng nay ngày 15/5/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh”.
Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản một số tỉnh/thành phố ven biển, Doanh nghiệp cung cấp các thiết bị phục vụ khai thác thủy sản cùng phóng viên báo chí đến đưa tin về Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị.

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần duy trì tăng trưởng, nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,225 triệu tấn và giá trị xuất khẩu thủy ản đạt 8,317 tỷ USD. Trong lĩnh vực khai thác thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ một nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động khai thác chủ yếu vùng biển gần bờ đã chuyển dịch theo hướng trở thành nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác phục vụ xuất khẩu. Có thể nói Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo ra động lực hết sức quan trọng để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Đội tàu khai thác xa bờ đã được hiện đại hóa với các công nghệ hiện đại.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nghề cá trên biển, hỗ trợ ngư dân yên tâm hoạt động khai thác trên biển góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, trong những năm qua, Tổng cục Thủy sản đã thực hiện một số dự án về thông tin quản lý nghề cá nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước cũng như góp phần hỗ trợ ngư dân trong việc cung cấp thông tin cho ngư dân trong phòng tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, cung cấp các thông tin liên quan đến dự báo ngư trường khai thác giúp ngư dân khai thác hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đến nay các tàu cá khai thác xa bờ của Việt Nam đã được lắp đặt thiết bị thông tin như hệ thống quan sát tàu cá bằng thiết bị vệ tinh (MOVIMAR ) thiết bị liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị (GPS), thiết bị nhận thông tin và liên lạc theo chiều bờ - tàu, tàu - bờ, tàu - tàu (ICOM), máy trực thu canh nhằm phục vụ dự báo thời tiết và cảnh báo bão tự động. Trong đó, năm 2010, với sự hỗ trợ của Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh – MOVIMAR”. Dự án đã triển khai lắp đặt thiết bị và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát tàu cá khai thác xa bờ tại các tỉnh thành/ven biển. Đây là hệ thống thống quan sát tích hợp nhiều chức năng góp phần vào quản lý hiệu quả đối với đội tàu cá khai thác thủy sản xa bờ của Việt Nam. Với công nghệ hiện đại hệ thống MOVIMAR đã phát huy rất tích cực trong việc quản lý tàu cá hiện nay. Đặc biệt, hệ thống MOVIMAR đã đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu trong quản lý chống đánh bắt bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tuy nhiên trong bối cảnh mới, việc kiểm soát cấp phép hoạt động tàu thuyền, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đang gặp nhiều khó khăn, hiệu quả đạt được còn thấp. Đây cũng là thách thức lớn đối với nghề cá quy mô nhỏ của nước ta hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc trao đổi chia sẻ thông tin dữ liệu nghề cá với hệ thống thông tin nghề cá quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết tính đến 10/5/2018 toàn tỉnh Bình Định có 6.297 tàu cá với tổng công suất trên 1,7 triệu CV. Trong đó, toàn tỉnh có 3.677 chiếc có công suất trên 90CV khai thác ở các ngư trường chính như: khơi miền Trung, Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Nam Bộ và vùng biển Kiên Giang với cá chủ lực như: nghề câu cá ngừ đại dương, nghề câu mực, nghề lưới vây, nghề rê thu ngừ. Năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Bình Định đạt 223 nghìn tấn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong những năm gần đây, số lượng tàu khai thác có công suất 90CV của tỉnh Bình Định có xu hướng tăng, điều này cho thấy phát triển khai thác hải sản có xu hướng ra khơi xa, phù hợp với chủ trương khai thác xa bờ của Đảng và Nhà nước.

Đánh giá về kết quả triển khai áp dụng hệ thống quan sát tàu cá bằng thiết bị vệ tinh MOVIMAR  trên địa bàn tỉnh Bình Định, Ông Dương cho biết hệ thống đã phát huy rất hiệu quả trong việc quản lý Nhà nước rất chủ động, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và khu vực đánh bắt. Để ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp, tỉnh Bình Định đã chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu thông qua hệ thống MOVIMAR, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển, giúp ngư dân cập nhật kịp thời và nhanh chóng hướng đi của bão cũng như tìm cách tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, thông qua thiết bị được lắp trên tàu ngư dân sẽ nhận được bản tin dự báo ngư trường hàng tuần, trao đổi dễ dàng với đất liền thông qua tin nhắn, email vì vậy người dân đã hưởng ứng rất tích cực trong việc áp dụng các hệ thống MOVIMAR.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng cho rằng việc thực hiện dự án xây dựng hệ thống quản lý thông tin nghề cá trên biển, trong đó, hệ thống MOVIMAR đã phát huy hiệu quả phục vụ công tác quản lý Nhà nước và nhiệm vụ giám sát của các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đối với đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, việc triển khai đã gặp một số khó khăn từ việc áp dụng lắp đặt cho ngư dân do tâm lý của người dân muốn dấu thông tin ngư trường cũng như tập quán khai thác và hiệu quả của các thiết bị mang lại cho ngư dân chưa rõ rệt đối với người dân. Do đó, trong thời gian tới cần phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân nắm rõ lợi ích cũng như các chính sách của Nhà nước đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu nâng cấp hệ thống MOVIMAR để đáp ứng với mục đích quản lý Nhà nước cũng như phục vụ các lợi ích của người dân trong quá trình khai thác để người dân sử dụng một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng hệ thống MOVIMAR có trang thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay trên thế giới trongviệc giám sát tàu cá cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu dự báo ngư trường, phục vụ công tác trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và chia sẽ thông tin cho các cơ quan khác. Bên cạnh đó trong bối cảnh “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Ủy ban Châu Âu thì hệ thống MOVIMAR đã phù hợp với các khuyến nghị nhằm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Đồng thời phù hợp với những quy định trong Luật Thủy sản 2017. Đặc biệt, hệ thống MOVIMAR sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược biển Việt Nam và xu hướng phát triển chung của thế giới.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương và công ty CLS tiến hành rà soát, thu hồi và bảo dưỡng trang thiết bị MOVIMAR đã được lắp đặt trên các tàu cá. Song song với đó, đề nghị công ty CLS tiếp tục nâng cấp các tính năng của thiết bị MOVIMAR cho tất cả các tàu cá đang sử dụng thiết bị này trên cả nước.

Giao Cục Kiểm ngư tiếp tục rà soát các thiết bị và rà soát bổ sung các chế tài phù hợp để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát tàu cá.

Các địa phương tập trung tuyên truyền cho ngư dân về lợi ích lắp đặt. Bên cạnh đó, cần rà soát và hướng dẫn những người dân đang sử dụng thiết bị cách sử dụng, bảo quản và duy trì hoạt động một cách hiệu quả.

Kiến nghị đề xuất Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để tiếp tục duy trì hệ thống MOVIMAR trong giai đoạn 2018 - 2020.

Trong tương lai cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách để triển khai thống nhất một hệ thống chung để quản lý giám sát tàu cá trên cả nước. Đề nghị Tổng cục Thủy sản kiến nghị tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế trong chia sẻ ngân sách giữa Trung ương và địa phương để thực hiện hệ thống thông tin giai đoạn II một cách có hiệu quả.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác