Công tác triển khai thực hiện các chính sách về phát triển thủy sản tại Bình Định (28-12-2016)

Với trên 3.400 tàu cá công suất lớn hơn 90 CV thường xuyên di chuyển ngư trường để khai thác hải sản, nghề cá Bình Định đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế địa phương trong thời gian qua. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá, cả của trung ương và địa phương, đã tiếp tục phát huy tác dụng, tạo động lực cho ngư dân mạnh dạn vươn khơi, bám biển dài ngày.
Công tác triển khai thực hiện các chính sách về phát triển thủy sản tại Bình Định
Ảnh minh họa

Triển khai thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ48) về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa

UBND tỉnh đã phê duyệt 3.104 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo QĐ48. Hiện nay Bình Định có 2 Trạm bờ và 2.517 máy HF đặt trên tàu cá để thực hiện QĐ48. Việc xác nhận khai thác trên vùng biển xa thông qua hệ thống trạm bờ tại Chi cục Thủy sản đã đáp ứng nhu cầu của ngư dân và hoạt động này đang dần đi vào nền nếp. Từ đầu năm đến nay đã có 6.522 lượt tàu được xác nhận khai thác trên vùng biển xa, trong đó Trạm bờ Quy Nhơn xác nhận 4.152 lượt tàu, Trạm bờ Hoài Nhơn xác nhận 2.517 lượt tàu.

Cho đến giữa tháng 9/2016, tỉnh đã tiếp nhận 6.426 hồ sơ và tổ chức 6 đợt thẩm định (hồ sơ năm 2105: 4 đợt, hồ sơ năm 2016: 2 đợt) cho 3.896 hồ sơ với số tiền hỗ trợ 224.761,205 triệu đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 7 đợt (hồ sơ năm 2015: 6 đợt, hồ sơ năm 2016: 1 đợt) và từ đầu năm đến nay đã giải ngân hỗ trợ 301.116,095 triệu đồng cho 4.658 hồ sơ. Các hồ sơ còn lại đang được các địa phương niêm yết công khai, chờ thẩm định.

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng thiếu trung thực của một số chủ tàu trong khi làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đảm bảo việc thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ được công bằng, đúng đối tượng, đồng thời chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc triển khai thực hiện, Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quy định thực hiện chính sách theo QĐ48 trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện Quyết định 375/QĐ-TTg ngày 1/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ375) về tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản

Với sự tham mưu của Sở NN và PTNT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2288/QĐ-UBND ngày 21/8/2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản tỉnh Bình Định, làm cơ sở triển khai thực hiện QĐ375.

            Về tổ chức lại sản xuất ở vùng biển ven bờ và vùng lộng:

- Đã hoàn thiện việc phân chia ranh giới vùng biển ven bờ giữa Bình Định với các địa phương giáp ranh như Phú Yên, Quảng Ngãi theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP,  làm cơ sở cho việc lựa chọn và giao vùng nước ven bờ, vùng lộng cho cộng đồng ngư dân để phát triển các mô hình đồng quản lý.

- Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, các Đồn biên phòng, Đội phòng chống xung điện xiệc máy huyện Tuy Phước, UBND các xã/phường, các nhóm hạt nhân đồng quản lý và các tổ/đội bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các xã tổ chức 57 chuyến tuần tra kiểm soát các vùng nước trên đầm và các vùng biển ven bờ trên phạm vi toàn tỉnh. Đã kiểm tra 327 tàu cá, nhắc nhở 92 tàu, ngăn cản 37 phương tiện cào nghêu, xử lý phạt tiền và tịch thu ngư cụ đối với các trường hợp vi phạm.

- Phối hợp với UBND 32 xã, phường ven biển tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

- Phối hợp với Phòng Nông nghiệp/Kinh tế các huyện, thành phố ven biển, Ban quản lý Dự án CRSD tiếp tục duy trì, đẩy mạnh xây dựng và củng cố hoạt động của các mô hình đồng quản lý gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 20/32 xã, phường ven biển, ven đầm xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá.

            Về tổ chức lại sản xuất ở vùng biển khơi:

- Đã xây dựng kế hoạch phát triển tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển khơi theo nhóm nghề, đối tượng khai thác dựa trên quy hoạch khai thác hải sản xa bờ của Bộ NN và PTNT. Trọng tâm là phát triển bộ nghề chủ lực của tỉnh gồm các nghề câu cá ngừ đại dương, vây cá ngừ, vây ánh sáng, câu mực, khai thác các loài cá nổi có giá trị kinh tế và xuất khẩu, không cho đăng ký nghề lưới kéo.

- Xây dựng, phát triển mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển, mô hình liên kết giữa ngư dân với doanh nghiệp thu mua thủy sản. Hiện đã có 662 tổ đoàn kết sản xuất với 2.655 tàu cá tham gia.

- Thực hiện thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi thông qua Dự án Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản.

Về tổ chức lại dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản:

- Tiến hành đầu tư nâng cấp cảng cá Quy Nhơn và hoàn thành xây dựng cảng cá Đề Gi, hàng năm nạo vét luồng lạch cảng cá Tam Quan.

           - Để giảm tổn thất sau khai thác, đã chú trọng xây dựng mô hình cải hoán, nâng cấp hầm bảo quản bằng vật liệu mới PU có tác dụng giữ nhiệt tốt hơn, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm nên cá lên bờ có chất lượng tốt hơn và giá bán cao hơn. Hiện có khoảng 15% số tàu khai thác xa bờ của tỉnh sử dụng hầm bảo quản bằng vật liệu PU thay cho hầm bảo quản truyền thống.

- Củng cố, phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở cung cấp máy móc, thiết bị khai thác trên tàu… Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá vỏ gỗ.

Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ67) về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghị định 89/2015/NĐ-CP (NĐ89) sửa đổi, bổ sung một số điều của 67

Sở NN và PTNT Bình Định cho biết, tỉnh được phân bổ 305 tàu được vay vốn đóng mới theo NĐ67, trong đó có 280 tàu khai thác và 25 tàu dịch vụ hậu cần. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 10 đợt các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới với 217 tàu (137 tàu vỏ thép, 69 tàu vỏ gỗ, 11 tàu vỏ composite), trong đó có 206 tàu khai thác và 11 tàu dịch vụ hậu cần.

Hiện đã có 51 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và triển khai thi công đóng tàu (44 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ composite, 4 tàu vỏ gỗ). Các ngân hàng đã cam kết cho vay 767,4 tỷ đồng và đã giải ngân 451,2 tỷ đồng. Đến nay, đã bàn giao 24 tàu cho các chủ tàu (trong đó 12 tàu đã đi khai thác, 12 đang hoàn thành các thủ tục để đi khai thác), đang đóng 25 tàu. Có 2 tàu do nhà máy đóng tàu thực hiện sai hợp đồng nên bị ngân hàng hủy hợp đồng tín dụng.

Địa phương cũng đã hỗ trợ kinh phí bảo hiểm theo NĐ67 cho 765 tàu cá bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 32.489 triệu đồng; tổ chức đào tạo thuyền viên cho hơn 200 ngư dân vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ composite để tham gia sản xuất có hiệu quả.

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Bình Định, trong quá trình triển khai NĐ67 (và NĐ89) tại địa phương, đã có một số vướng mắc từ nhiều phía, dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện, cụ thể:

- Một số chủ tàu sau khi được duyệt đóng mới tàu đã xin chuyển nghề, chuyển vật liệu đóng tàu nên phải làm lại phương án sản xuất kinh doanh để thẩm định, phê duyệt lại; nhiều chủ tàu còn phân vân khi đăng ký tham gia đóng mới tàu, lựa chọn mẫu thiết kế, máy móc, thiết bị, ngư cụ, hoặc băn khoăn việc trả nợ, thiếu lao động đi biển, lựa chọn ngân hàng...

- Một số chi nhánh ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh chỉ cho khách hàng cá nhân vay đến 2 - 3 tỷ đồng nên phải trình hồ sơ về hội sở chính để phê duyệt làm kéo dài thời gian xem xét cho vay, hoặc chưa tích cực phối hợp với ngư dân trong việc cho vay vốn đóng tàu theo NĐ67; một số khác lại cho vay theo chỉ tiêu được giao nên gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ khi gần hết chỉ tiêu.

- Cơ quan quản lý chậm đưa ra các thiết kế mẫu tàu cá đáp ứng yêu cầu cho ngư dân lựa chọn theo các nghề đã đăng ký đóng mới; chậm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định của NĐ67 và NĐ89 như cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư, quy định nhập khẩu máy thủy cũ, việc hoàn thuế giá trị gia tăng...; thiếu hướng dẫn chi tiết về thuế giá trị gia tăng khi đóng tàu theo NĐ67.

                                                                                           Hà Lê

Ý kiến bạn đọc

Tin khác