Hướng dẫn tàu thuyền ứng phó khi gặp bão (12-12-2016)

Thiên nhiên bất thường, gió bão là mối đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của ngư dân, tàu thuyền khi hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, vì vậy việc ứng phó khi gặp áp thấp nhiệt đới, gió bão trên biển là một trong những vấn đề được ngư dân quan tâm hàng đầu. Để góp phần giúp bà con ngư dân đảm bảo an toàn tính mạng cũng như phương tiện sản xuất, chúng tôi xin hướng dẫn bà con ngư dân cách ứng phó khi gặp bão trên biển khi tàu thuyền không kịp về bến neo đậu.
Hướng dẫn tàu thuyền ứng phó khi gặp bão
Ảnh minh họa

Khi điều khiển tàu tránh, trú bão, trong cabin lái, ngoài thuyền trưởng, ít nhất luôn luôn phải có từ 01 – 02 người có khả năng lái tàu cùng trực, trong hầm máy phải có ít nhất 02 người trực liên tục. Trong mọi trường hợp, không được lái hoặc để cho tàu trôi xuôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn. Trong trường hơp không may tàu mất khả năng điều động (do máy tàu bị hỏng hoặc do trục gãy, rơi chân vịt), tại vị trí độ sâu nhỏ hơn hoặc bằng 1/7 chiều dài dây neo thì phải thả neo ngay; trường hợp độ sâu lớn, cố định lái ở vị trí 00, thả neo dù để tàu trôi theo nước. Bên cạnh đó, phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác đặc biệt là tàu cùng tổ, đội đang ở trong khu vực và với đài trực canh ven bờ để được ứng cứu khẩn cấp.

Trường hợp không thể đưa kịp tàu về vùng biển của Việt Nam mà phải vào vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác để tránh trú bão, trước khi vào trú bão, thuyền trưởng phải điện báo ngay cho cơ quan chức năng của Việt Nam biết các thông tin sau: Tên tàu, tên Thuyền trưởng/Chủ tàu; Số hiệu tàu, số người trên tàu; Vị trí tại điểm liên lạc (vĩ độ, kinh độ); Thông tin về tàu (đăng ký, chiều dài tàu, tổng công suất máy chính); Vị trí (vĩ độ, kinh độ) vùng biển của nước, vùng lãnh thổ dự kiến đưa tàu đến. Sau khi vào nơi trú đậu an toàn, phải thông báo cho cơ quan chức năng của Việt Nam biết các thông tin như trên. Khi vào lánh nạn, thuyền viên trên tàu phải tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan khác của nước sở tại.

Trong trường hợp khẩn cấp, sử dụng các tín hiệu báo hiệu tàu bị nạn cần trợ giúp theo Luật tránh va, như: Dùng vô tuyến điện báo phát ra tín hiệu moóc sơ SOS; dùng bất kì một thiết bị phát tín hiệu sa mù nào đó để phát ra âm thanh liên tục v.v… Ban ngày treo một tín hiệu gồm một cờ hình vuông ở bên trên hay bên dưới một quả cầu hoặc một vật có hình cầu hoặc treo cờ chữ U; ban đêm dùng đèn phát các tín hiệu bất thường, khác các tín hiệu hàng hải trên tàu để kêu gọi sự chú ý, v.v…

Đối với điều khiển tàu thuyền chống đỡ khi phải đối mặt với bão, khi tàu thuyền nằm ở nửa bão bên phải hướng di chuyển của bão tức là nửa vòng nguy hiểm nhất, cần nhanh chóng mở hết tốc độ, đưa tàu rời xa tâm bão. Tốt nhất nên điều khiển tàu chạy ngược gió, sao cho gió thực thổi vào mũi tàu lệch mạn phải một góc nhọn khoảng 30 – 45 độ, giữ cho tàu chạy theo hướng đó cho đến khi thấy khí áp tăng, tốc độ gió, độ bao phủ của mây, cường độ mưa đã giảm thì đó là dấu hiệu cho thấy tàu đã ở tương đối xa tâm bão. Cần tiếp tục cho tàu chạy ra khỏi vùng nguy hiểm.

Khi tàu thuyền nằm ở nửa bão bên trái hướng di chuyển của bão tức là nửa vòng ít nguy hiểm hơn, nhưng không phải không có mối đe dọa đến sự an toàn của tàu, do vậy cần nhanh chóng cho tàu chạy ra xa tâm bão bằng cách điều khiển tàu chạy xuôi gió sao cho gió thổi vào đuôi lệch phải một góc khoảng 30 – 45 độ. Tiếp tục điều khiển tàu chạy theo hướng đó cho đến khi tàu đã ra khỏi vùng nguy hiểm.

Khi tàu thuyền nằm phía trước trên đường bão đang đi tới, trường hợp này, phải điều khiển tàu chạy theo hướng sao cho gió thổi vào đuôi tàu lệch mạn phải và với tốc độ nhanh nhất để đưa tàu sang nửa bão bên trái, sau đó điều khiển tàu thoát khỏi vùng gió bão mạnh theo các cách trên.

Khi tàu đối mặt với sóng cao, gió mạnh, khi tàu thuyền nằm trong vùng gần tâm bão, với tàu có độ cân bằng tốt có thể thả trôi sao cho mạn phải của tàu quay về hướng gió nhằm tránh bị nước trào lên boong và hạn chế được sức đập dữ dội của sóng vào mạn tàu. Đề phòng tàu bị lắc ngang mạnh có thể cho tàu chạy tiến hoặc lùi kết hợp tay lại giữ cho hướng di chuyển hợp với hướng sóng một góc thích hợp để hạn chế hiện tượng cộng hưởng, tránh bị lật tàu. Với tàu có độ cân bằng kém thì không lái tàu đi theo rãnh sóng vì sẽ bị lắc ngang mạnh, dễ bị lật úp hoặc gãy bánh lái. Trong mọi trường hợp điều tối kỵ là lái hoặc bỏ mặc cho tàu trôi xuôi theo chiều gió, vì gió bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn, nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, để giảm sức đập của sóng, người điều khiển thuyền có thể thực hiện một số biện pháp như: thả dầu nhờn xuống biển, vứt các hàng hóa, thiết bị nặng cồng kềnh trên boong tàu xuống biển.

Khi tàu chạy xuôi hướng sóng, nếu thấy có hiện tượng tàu bổ nhào (lái nâng lên, mũi chúc xuống), gây nên những chấn động mạnh cho toàn con tàu thì nhanh chóng điều chỉnh hướng đi đối với hướng sóng ở góc mạn phải 150 – 160 độ.

Khi muốn thay đổi hướng đi của tàu, người điều khiển tàu phải chọn thời điểm sóng nhỏ nhất. Nếu góc chuyển hướng quá lớn thì nên chia ra thành nhiều lần, mỗi lần cho tàu quay một góc khoảng 20 – 30 độ để tàu giữ được cân bằng hơn trong sóng gió. Nếu chuyển hướng ngược sóng phải tăng tốc độ để tàu lướt nhanh ngang sóng, rút ngắn khoảng thời gian chịu gió ngang. Nếu chuyển hướng xuôi sóng thì cho tàu chạy với tốc độ trung bình rồi tăng tốc từ từ.

Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác