Thứ trưởng Vũ Văn Tám khảo sát Dự án khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá tại đảo Phú Quý (04-04-2016)

Ngày 01/4/2016, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và PTNT, Vũ Văn Tám cùng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đến thăm đảo Phú Quý để khảo sát các Dự án khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá; thăm một số mô hình nuôi biển tại đảo. Làm việc với UBND huyện thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nghe báo cáo về công tác phát triển kinh tế - xã hội, tình hình triển khai Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Tại buổi làm việc Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã trao quà của Công đoàn Bộ NN&PTNT tặng UBND huyện, Biên phòng huyện, Nghiệp đoàn nghề cá Tam Thanh, và 05 ngư dân tiêu biểu của huyện.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám khảo sát Dự án khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá tại đảo Phú Quý
Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại buổi làm việc

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ và nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải, ngư trường rộng 52.000 km2, và vùng biển Bình Thuận tiếp giáp liên thông với các ngư trường lớn của cả nước như ngư trường Đông Nam Bộ; khu vực Trường Sa - Nhà giàn DK1; vùng giữa biển Đông nên tỉnh Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế thủy sản, vận tải khu vực ven biển. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là ưu tiên đầu tư các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tại các đảo tiền tiêu quan trọng của cả nước. Trong đó, đảo Phú Quý có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế biển cũng như trong việc bảo vệ an ninh tổ quốc.

Trong 5 năm qua (giai đoạn 2010 -2015), kinh tế biển tỉnh Bình Thuận được phát huy ngày càng toàn diện cả về khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch, đi đôi với coi trọng phát triển công nghiệp nhằm khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển. Ngành kinh tế thủy sản tăng bình quân 7,2%/năm. Sản lượng hải sản khai thác tăng qua từng năm, nuôi trồng thủy sản cả nước mặn, ngọt và lợ phát triển ổn định, đặc biệt chất lượng tôm giống được giữ vững, khẳng định được lợi thế. Năm 2015, sản lượng hải sản khai thác đạt 198.000 tấn, nuôi thủy sản đạt 14.000 tấn; sản xuất, tiêu thụ tôm giống 22 tỷ post, tăng 13,9 tỷ post so với 2010. Các nghiệp đoàn nghề cá và tổ đoàn kết khai thác thủy sản thành lập ngày càng nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đã thành lập thí điểm 5 nghiệp đoàn nghề ở các địa phương và 226 tổ đoàn kết, 4.002 thuyền, 25.385 lao động (trong đó có 100% tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ tham gia). Cơ cấu thuyền nghề chuyển mạnh theo hướng tăng tàu thuyền có công suất lớn, đánh bắt xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần trên biển. Toàn tỉnh hiện có 7.477 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 842 ngàn CV, bình quân 112,66 CV/chiếc (năm 2010:74,6 CV/chiếc), trong đó, tàu có công suất từ 90 CV trở lên có 2.305 chiếc (năm 2010: 1.705 chiếc).

ttvuvantam2.jpg

Hiện nay, đảo Phú Quý có hơn 1.200 tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Do số lượng tàu thuyền lớn, nhưng bến neo đậu hiện tại nhỏ hẹp, không an toàn trong mùa mưa bão. Trước đó, vào tháng 10/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Do khó khăn về vốn, dự án bị gián đoạn một thời gian. Đến nay, dự án đã được điều chỉnh lại (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng. Trước sự cần thiết của công trình tránh trú bão trên đảo, quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Đoàn công tác Bộ NN&PTNT khảo sát địa điểm xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tại đảo Phú Quý, qua khảo sát thực tế và báo cáo của địa phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám xác định: nhu cầu xây dựng Khu neo đậu trú tránh bão trên đảo Phú Quý rất cấp bách. Mặc dù nguồn vốn khó khăn, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên nguồn vốn cho dự án này và không thể để chậm trễ hơn nữa.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác