Nỗ lực của Thanh Hóa trong ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (27-12-2022)

Một trong các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đó là không để tàu cá khai thác xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống khai IUU trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả tích cực. Từ đầu năm 2022 đến nay tỉnh Thanh hóa không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản bị bắt giữ, xử lý. 
Nỗ lực của Thanh Hóa trong ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Ảnh minh họa

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, để chấm dứt tình trạng khai thác IUU, Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU.

 Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục ngư dân không vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài được các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường thực hiện: Xây dựng nội dung, in và treo băng zôn, phát tờ rơi, sổ tay; tổ  chức các lớp tập huấn cho ngư dân, xây dựng các phóng sự tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản, chống khai thác IUU phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; tại các cảng cá, các xã, phường nghề cá tổ chức phát thanh trên loa truyền thanh 1-2 lần/ngày với thời lượng 10 phút/bản tin,..

Cũng theo thống kê, tổng số tàu cá trong toàn tỉnh tính đến nay là 6.508 chiếc. Cơ cấu nghề khai thác thủy sản trong tỉnh rất đa dạng, từ các nghề truyền thống khai thác ven bờ đến các nghề khai thác xa bờ. Số tàu cá thực hiện đăng ký đối với tàu cá có Lmax ≥6 m là 2.747 chiếc; số tàu cá còn hạn đăng kiểm là 1.446/2.141 chiếc, đạt tỷ lệ 67,5%; đánh dấu tàu cá là 3.143/3.205 tàu, đạt tỷ lệ 98%. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 1.053/1.167 tàu cá, đạt tỷ lệ 90,2%.

Việc thực hiện quản lý, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản đối với tàu cá có Lmax từ 12m÷<15m là 710/974, đạt tỷ lệ 72,9%; tàu cá có Lmax ≥15 m là 1.087/1.167 chiếc, đạt tỷ lệ 93,1%; đã nhập 2.747 tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; cập nhật hàng ngày dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho 1.128/1.167 tàu cá, đạt tỷ lệ 96,7%. Còn lại 39 tàu cá chưa lắp thiết bị VMS, Chi cục Thủy sản đã rà soát nguyên nhân, vị trí neo đậu của từng tàu; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các Đồn Biên phòng tuyến biển, UBND cấp huyện quản lý chặt chẽ các tàu cá này, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi tham gia khai thác khi chưa lắp đặt và duy trì hoạt động thiết bị VMS.

Cơ quan chức năng tổ chức trực 24/24 giờ để thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến làm cơ sở thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.

Trong năm 2022, giám sát 1.039 lượt tàu rời cảng, 619 lượt tàu cập cảng, thu 592 nhật ký khai thác thủy sản, đạt 95,6% số tàu cập cảng, sản lượng thủy sản qua cảng là 8.968,26 tấn. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm tra trên biển và các cửa bến, kiểm tra 368 tàu, xử lý vi phạm hành chính 113 tàu với tổng số tiền là 606.350.000 đồng.

Nhìn chung, trong năm 2022, nhận thức của ngư dân, các tổ chức, cá nhân về Luật thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được nâng lên và được chuyển biến tích cực; chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân đã cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; lắp đặt thiết bị VMS đạt 96,7% tổng số tàu tham gia khai thác; không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; các cảng cá đã từng bước khắc phục các hạn chế được chỉ ra trong các đợt kiểm tra của Tổng cục Thủy sản,... 

Bên cạnh những măt đã làm được trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như, còn một số chủ tàu/thuyền trưởng chưa ghi hoặc ghi chưa đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản; chưa thông báo trước 01 giờ cập, rời cảng với các Ban quản lý cảng cá; một số tàu cá trên 15m không vào cảng cá chỉ định bốc dỡ sản phẩm, hàng hóa và chưa duy trì kết nối thiết bị VMS khi hoạt động trên biển;

Một số thiết bị VMS có chất lượng không đảm bảo, hoạt động chập chờn không ổn định sau thời gian dài sử dụng; công tác bảo hành sửa chữa của một số đơn vị cung cấp thiết bị VMS còn chậm; cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các điều kiện của EC về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, chống khai thác IUU…

Do vậy, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm :

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân qua các hình thức thông tin trên Truyền hình, Đài phát thanh, Báo và trên các trang mục; tổ chức các lớp tập huấn về Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, duy trì hoạt động thiết bị VMS.

Tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện trong thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, cửa bến, bãi ngang, cảng cá; kiên quyết không cho các tàu cá đi hoạt động trên biển khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

 Đồng thời, lập danh sách tàu cá cá nguy cơ vi phạm như tàu hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá và tàu cam kết nằm bờ khi chưa lắp thiết bị VMS gửi các lực lượng chức năng trong tỉnh và 27 tỉnh, thành phố ven biển để phối hợp, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị VMS khẩn trương khắc phục những tồn tại trong quá trình lắp đặt, vận hành thiết bị VMS.  Phối hợp với Chi cục Thủy sản xác định nguyên nhân mất kết nối trên biển hàng ngày và có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân kịp thời trong việc khắc phục sự cố của thiết bị do đơn vị mình cung cấp.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm về chống khai thác IUU; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư, nâng cấp các cảng cá chỉ định, khu neo đậu tránh trú bão để phục vụ cho công tác xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác, chống khai thác IUU.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác