Quản lý khai thác cá ngừ hướng tới chuẩn mực quốc tế (21-12-2022)

Để quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm và hội nhập nghề cá khu vực. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu trở thành thành viên chính thức của WCPFC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Dự thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan về “Kế hoạch quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam đến năm 2030”.
Quản lý khai thác cá ngừ hướng tới chuẩn mực quốc tế
Ảnh minh họa

Cá ngừ đại dương là đối tượng khai thác quan trọng của nghề cá xa bờ Việt Nam. Nghề khai thác cá ngừ đại dương không những được coi là nghề khai thác xa bờ chủ lực, tạo bước đột phá để công nghiệp hóa, điện đại hóa nghề cá mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy nghề cá Việt Nam hội nhập nghề cá khu vực và thế giới. Nghề khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu ở các địa phương ven biển miền Trung, nhưng phát triển mạnh ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Cá ngừ đại dương cỡ nhỏ và cá ngừ nhỏ ven bờ cũng được khai thác và lên bến ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Tiền Giang. Cá ngừ đại dương thường được khai thác bằng các loại nghề: câu vàng, câu tay, lưới rê và lưới vây.

Theo các số liệu thống kê (tại 12 tỉnh từ Quảng Trị - Tiền Giang), số lượng tàu khai thác cá ngừ đại dương có xu hướng tăng dần trong thời gian qua và có sự thay đổi khá lớn về cơ cấu nghề khai thác. Số lượng tàu câu vàng cá ngừ đại dương giảm mạnh từ 2014, đến nay, chỉ còn một số tàu làm nghề câu vàng cá ngừ đại dương ở tỉnh Phú Yên. Tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương bốc dỡ qua cảng theo thống kê của các tỉnh từ Quảng Trị đến Tiền Giang năm 2021 đạt 127.068 tấn, tăng khoảng 24.752 tấn so với năm 2020 (tăng khoảng 24,19%).

Do đặc tính sinh sống của cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vằn) là các loài cá sống ở vùng biển xa bờ, có tập tính di cư xa, chúng có thể di chuyển từ vùng biển thuộc quốc gia này đến quốc gia khác tùy theo giai đoạn phát triển. Một đàn cá có thể bị khai thác bởi các đội tàu của các quốc gia khác nhau. Vì vậy, nguồn lợi cá ngừ thường chỉ được quản lý tốt nếu có sự chia sẻ, hợp tác của nhiều quốc gia thông qua các hiệp ước quốc tế.

Trên thực tế hiện nay, nguồn lợi cá ngừ đại dương của thế giới được quản lý bằng các kế hoạch quản lý cấp vùng hoặc cấp quốc gia dựa trên nguyên tắc phân bổ hạn ngạch khai thác nhằm đảm bảo duy trì và bảo vệ nguồn lợi. Theo Hiệp định về quản lý và bảo vệ các đàn cá di cư xa của Liên hợp quốc 1995, cá ngừ đại dương phân bố ở vùng biển Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC).

Việt Nam đã từng bước tham gia vào các hoạt động của WCPFC với tư cách là quan sát viên (2006) và trở thành quốc gia chưa phải là thành viên chính thức nhưng có hợp tác (Cooperating non-member - CNM) từ 2009. Việc tham gia đầy đủ của Việt Nam vào WCPFC sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía; nguồn lợi cá ngừ đại dương của khu vực được quản lý đầy đủ, cá ngừ đại dương do Việt Nam khai thác được được đối xử công bằng trên thị trường thế giới và nhiều phương pháp quản lý nghề cá tiên tiến sẽ được áp dụng vào Việt Nam. Vì vậy, từ năm 2009, WCPFC đã triển khai dự án hỗ trợ quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam với mục tiêu tăng cường năng lực trong công tác thu thập số liệu để làm cơ sở khoa học cho việc quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam dựa trên tiếp cận khoa học đầy đủ có liên hệ với nghề cá các nước trong khu vực.

Tại Việt Nam, việc quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương ở vùng biển Việt Nam đến nay chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động khai thác cá ngừ được điều chỉnh bởi các quy định chung về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Các quy định pháp luật tạo thành chế độ quản lý nghề cá tổng hợp của 03 phương thức: (1) giải pháp kỹ thuật; (2) quản lý mức sản lượng tối đa cho phép khai thác theo vùng biển; và (3) giới hạn cường lực khai thác (số lượng tàu) phù hợp tiềm năng nguồn lợi của mỗi vùng biển. Riêng nghề khai thác cá ngừ đại dương được quy định quản lý bằng hạn ngạch.

Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đánh giá nguồn lợi, xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài và số lượng tàu cá cho phép hoạt động ở các vùng khơi; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đánh giá nguồn lợi, xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài và số lượng tàu cá cho phép hoạt động ở các vùng ven bờ và vùng lộng. Đồng thời, cũng quy định các biện pháp kỹ thuật như: thành lập khu bảo tồn biển, vùng cấm, mùa cấm, kích thước cá cho phép khai thác... để hạn chế khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Luật Thủy sản cũng quy định phương thức quản lý dựa vào mức sản lượng cho phép khai thác ở từng vùng biển. Trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thủy sản Việt Nam, mức sản lượng này thường được xem như mức sản lượng bền vững tối đa và được tính gộp cho tất cả các loài. Thực tế, mức sản lượng này không được phân chia hạn ngạch sản lượng cho các tàu. Mỗi tàu có thể khai thác mức sản lượng tùy theo khả năng của tàu. Hơn nữa, hệ thống kiểm soát sản lượng của các tàu, các địa phương hay ở các vùng biển không được thực hiện. Điều đó cho thấy, phương thức quản lý nghề cá dựa vào mức sản lượng khai thác (quản lý đầu ra) chưa được thực hiện.

Phương thức quản lý dựa vào kiểm soát cường lực khai thác yêu cầu phát triển cường lực khai thác (số lượng tàu) phải phù hợp với tiềm năng nguồn lợi của mỗi vùng biển. Thực tế, số lượng tàu cá ở mỗi tỉnh, mỗi vùng đã được xác định trong các kế hoạch phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc kiểm soát số lượng tàu cá theo kế hoạch đã duyệt thường chưa được thực hiện tốt. Ví dụ, cơ cấu tàu thuyền năm 2020 khác xa so với cơ cấu tàu thuyền đã phê duyệt trong Quyết định số 1445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, một số nước trong khu vực WCPFC đã có kế hoạch quản lý riêng đối với nguồn lợi cá ngừ đại dương trong vùng nước được quyền quản lý. Hơn nữa, một trong những yêu cầu bắt buộc để là thành viên của WCPFC là quốc gia thành viên phải xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương (NTMP) trong vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia của quốc gia đó. Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch NTMP ở Việt Nam là rất cần thiết để quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm và hướng tới gia nhập WCPFC và hội nhập nghề cá khu vực. Kế hoạch đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản cho việc quản lý bền vững, trách nhiệm và sử dụng hợp lý, công bằng nguồn lợi cá ngừ đại dương trong vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hướng đến thỏa mãn các tiêu chuẩn quản lý nghề cá trên thế giới như tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý Biển (MSC),...

Theo Dự thảo Kế hoạch NTMP tại Việt Nam được triển khai áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, hoạt động khai thác, thương mại cá ngừ đại dương (cá ngừ vằn, cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng) ở các tỉnh ven biển (tập trung vào 10 tỉnh, thành phố ven biển khai thác cá ngừ trọng điểm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang).

Với mục tiêu, Phát triển bền vững và có trách nhiệm nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam phù hợp các chuẩn mực quốc tế thông qua áp dụng các qui định quản lý và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ đại dương ở các vùng biển.

Nguồn lợi cá ngừ đại dương được giữ ở mức bền vững về sinh học, sinh thái, môi trường, kinh tế - xã hội phù hợp điều kiện nghề cá Việt Nam và đáp ứng các tiêu chí quản lý của các tổ chức nghề cá khu vực (như WCPFC,..).

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác