Kiên Giang: Quyết tâm xử lý dứt điểm tàu cá khai thác bất hợp pháp (08-11-2022)

Trung tuần tháng 10/2022, tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quy chế quản lý lắp đặt, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình; khai thác, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá; xử lý tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kiên Giang: Quyết tâm xử lý dứt điểm tàu cá khai thác bất hợp pháp
Ảnh minh họa

Quy chế này quy định về xử lý tàu cá khai thác IUU và có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU; quản lý lắp đặt, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình tàu cá tỉnh Kiên Giang và tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá tỉnh Kiên Giang được phân quyền từ Tổng cục Thủy sản.

Về nguồn thông tin tàu cá khai thác IUU và tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU, được cung cấp qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống; đơn trình báo hoặc phản ánh của người dân, chính quyền địa phương; cũng như qua thông tin, hình ảnh, văn bản của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc tàu cá tỉnh Kiên Giang khai thác IUU hoặc có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU; và qua hệ thống giám sát tàu cá (VMS).

Quản lý, lắp đặt, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý việc lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình.

Chi cục Thủy sản quản lý, kiểm tra điều kiện lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình để thực hiện cấp Giấy phép khai thác thủy sản; kiểm tra, xác thực thông tin trên hệ thống giám sát tàu cá và chuyển thông tin đến bộ phận quản trị hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình khi tàu cá xuất, nhập các Đồn/Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn tỉnh hoặc khi tàu cá ra vào các cửa sông, cửa biển.

Chủ tàu cá quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình; quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình đảm bảo giữ nguyên hiện trạng niêm phong/kẹp chì của thiết bị; thuyền trưởng kiểm soát trạng thái hoạt động của thiết bị trực tiếp hoặc qua các phụ kiện.

Thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24 giờ/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 06 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng.

Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về tàu, chủ tàu, thiết bị giám sát tàu cá, niêm phong/kẹp chì và tự động truyền về Trung tâm giám sát tàu cá Trung ương theo đúng quy định; xử lý sự cố tín hiệu thiết bị giám sát tàu cá do đơn vị mình cung cấp; hướng dẫn lắp đặt và sử dụng thiết bị. Báo cáo định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, quý, 06 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Ngoài ra, Quy chế này còn quy định trách nhiệm (của: chủ tàu cá, đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) trong quy trình lắp mới thiết bị giám sát hành trình/ quy trình tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình (bảo hành, sửa chữa, thay thế thiết bị, chuyển đổi đơn vị cung cấp).

Quản lý, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá

Đối với việc quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá: Quy chế này đã quy định trách nhiệm (của: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Chi cục Thủy sản, Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh đặt tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động) trong việc tổ chức quản lý, vận hành hệ thống giám sát tàu cá.

Phân quyền truy cập hệ thống giám sát tàu cá tỉnh: Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Chi cục Thủy sản được Tổng cục Thủy sản cấp quyền truy cập dữ liệu theo quy định. Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền được phân quyền truy cập xem và xuất dữ liệu báo cáo (hoặc theo mục đích sử dụng thông tin, dữ liệu và chức năng, nhiệm vụ được phân công); lập danh sách những người có trách nhiệm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, phân quyền truy cập; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được phân quyền truy cập chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu; không chia sẻ tài khoản và dữ liệu; thực hiện chế độ bảo mật thông tin.

Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá và chế độ bảo mật thông tin, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Phương thức hoạt động, cung cấp thông tin

Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/24 giờ để vận hành, tiếp nhận, xử lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá được phân quyền từ Tổng cục Thủy sản (gồm: Tình hình tàu cá vượt qua ranh giới trên biển; Cung cấp kịp thời thông tin về dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá bị mất kết nối trên biển cho các đơn vị chức năng để xử lý theo quy định; Thông tin về tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU và các thông tin khác cho cơ quan thực thi pháp luật trên biển, chủ tàu cá và các tổ chức, cá nhân có liên quan); Hướng dẫn tổ chức, cá nhân báo cáo các thông tin liên quan đến quản lý hệ thống giám sát tàu cá; Chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin cung cấp đúng với thông tin trên hệ thống giám sát tàu cá; Lưu trữ thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá đã cung cấp nhằm phục vụ tra cứu, truy xuất dữ liệu khi có yêu cầu; Sử dụng hệ thống giám sát tàu cá đúng nội dung được phân quyền; Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị được phân quyền truy cập hệ thống giám sát tàu cá phân công người chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý thông tin dữ liệu giám sát tàu cá theo phân quyền từ Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh; Báo cáo kịp thời cho người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị để xử lý các tình huống liên quan trách nhiệm của cơ quan, đơn vị; Lưu trữ thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá phục vụ tra cứu, truy xuất dữ liệu khi có yêu cầu; Quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá theo nội dung được phân quyền; Thực hiện chế độ báo cáo về Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh theo quy định.

Xử lý tàu cá khai thác IUU

Quy chế này đã quy định về việc (i) xử lý thông tin, dữ liệu đối với tàu cá vượt ranh giới trên biển; (ii) xử lý thông tin, dữ liệu đối với tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển; (iii) xử lý thông tin, dữ liệu đối với tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá; (iv) xử lý đối với tàu cá có dấu hiệu khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Theo đó, đề cập chi tiết, rõ ràng trách nhiệm của: chủ tàu; thuyền trưởng; đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình; Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Chi cục Thủy sản; Chi cục Kiểm ngư Vùng 5, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28 Biên phòng; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Văn phòng đại diện/Tổ kiểm soát nghề cá và Ban quản lý cảng cá (trong danh sách cảng cá chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Chi cục Kiểm ngư; Chi cục Thủy sản; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố…

Đối với thông tin từ đơn khai báo, tờ tường trình của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt yêu cầu bảo hộ công dân thì trách nhiệm giải quyết thuộc về Sở Ngoại vụ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Thủy sản; Chi cục Kiểm ngư; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các huyện, thành phố. Ngoài ra, Quy chế này cũng đã đề cập đến trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

Đặc biệt, trong trường hợp tàu cá vừa bị cảnh báo vượt ranh giới trên biển, sau đó có thông tin bị nước ngoài bắt giữ thì giao Chi cục Kiểm ngư chủ trì điều tra, xác minh, xử lý theo quy định. Trình tự các bước thực hiện có thể thay đổi tùy theo điều kiện thực tế xảy ra của từng sự vụ, sự việc và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác