Bình Định: Tăng cường quản lý các hoạt động khai thác thủy sản (19-03-2021)

3 tháng đầu năm, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, các đội tàu cá vẫn duy trì được số lượng và cường độ hoạt động khai thác nên sản lượng khai thác tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Bình Định: Tăng cường quản lý các hoạt động khai thác thủy sản
Ảnh minh họa

Quý I/2021, dịch COVID-19 đã tác động xấu đến việc tiêu thụ thủy sản khai thác, giá các loại thủy sản giảm mạnh (như giá cá ngừ đại dương giảm xuống từ 92.000 đ-97.000 đ/kg). Sản lượng khai thác hải sản tháng 03/2021 ước đạt 21.160 tấn, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 1.290 tấn. Lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 46.045 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020 (45.000 tấn), trong đó sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 3.020 tấn, tương đương mức cùng kỳ năm 2020 (3.017 tấn).

Nhìn chung, công tác kiểm tra tàu cá rời cảng cập cảng đã đi vào nề nếp, ngư dân tuân thủ đầy đủ các quy định theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, nhất là việc báo trước 01 giờ, ghi và nộp nhật ký khai thác, trang bị đầy đủ trước khi tàu rời cảng... Kết quả từ đầu năm 2021đến nay đã kiểm tra 331 lượt tàu rời cảng và 193 lượt tàu cập cảng, đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định. 3 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã thực hiện thủ tục xóa đăng ký cho 45 tàu cá, kiểm tra an toàn kỹ thuật và hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 535 tàu, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020 (438 tàu).

Tính đến ngày 15/3/2021, đã có 96 tàu được cấp phép khai thác thủy sản, vẫn còn 1.585 tàu chưa được cấp phép (trong đó: vùng bờ 1.103 tàu, vùng lộng 335 tàu, vùng khơi 147 tàu). Trong tháng 3, có 40 hồ sơ được cấp chứng nhận thủy sản khai thác với 344 tấn cá các loại. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3/2021 đã có 74 hồ sơ được chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng 697 tấn cá các loại, tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 3, có 58 tàu cá đủ điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng cộng 222 tàu cá được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Đối với công tác Phòng chống lụt bão và TKCN chuyên ngành thủy sản, đã tổ chức phân công nhiệm trực Trạm bờ thông tin liên lạc 24/24 để theo dõi tình hình thời tiết trên biển, theo dõi hoạt động của các đội tàu khai thác. Trong 3 tháng đầu năm, có 03 tàu cá bị cháy khi đang neo đậu tại Khu neo đậu âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng; có 08 sự cố trên biển (02 thuyền viên bị tai nạn; 02 phá nước chìm - các thuyền viên được tàu cá trong tổ đội hỗ trợ ứng cứu nên không thiệt hại về người; 04 tàu bị hỏng máy, trong đó 3 tàu được tàu Sar, tàu Kiểm Ngư hỗ trợ lai dắt và 01 tàu được tàu cá trong tổ đội hỗ trợ lai dắt).

Huy động toàn dân đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Bình Định) đã hướng dẫn các địa phương trên toàn tỉnh xây dựng kế hoạch và nội dung đăng ký thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản với 31 xã/phường tham gia. Theo đó, Chi cục đã phân công cán bộ địa bàn trực tiếp theo dõi, hỗ trợ từng địa phương thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thực hiện rà soát, củng cố các mô hình Đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản, Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn tổ chức triển khai các hoạt động thành lập Tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Kết quả: UBND thành phố Quy Nhơn đã quyết định giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng tại 4 xã/phường thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017. Chi cục Thủy sản đã hỗ trợ các Tổ chức cộng đồng này xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2021 nhằm đảm bảo các hoạt động đạt hiệu quả đúng theo các Phương án đã được UBND thành phố phê duyệt. Cụ thể, đã hướng dẫn Tổ chức cộng đồng ở 4 xã/phường xây dựng hồ sơ thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng bảo vệ rạn san hô tại địa phương theo qui định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng rất chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm với phát triển sinh kế cộng đồng. Công tác bảo vệ các loài thủy sản quí hiếm (đặc biệt là rùa biển) đã được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ngư dân. Nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Tháng 3/2021 Chi cục đã tuyên truyền, vận động một ngư dân ở xã Cát Tiến giao nộp một con Rùa biển (thuộc loài Vích) do thu mua từ chợ về với môi trường biển tự nhiên. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm, đã đăng tin bài về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản (trên bản tin Nông lâm thủy sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, trang tin điện tử và bản tin của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định, cổng thông tin điện tử thành phố Quy Nhơn, Báo Bình Định, Báo Tài nguyên và Môi trường).

Tích cực triển khai Luật Thủy sản 2017

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã thực hiện nghiêm công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định: Đối với trường hợp 01 tàu/07 thuyền viên bị Malaysia bắt giữ, Chi cục đã phối hợp với UBND xã Cát Minh xác minh thông tin, báo cáo Sở Ngoại vụ để báo cáo Cục Lãnh Sự (Bộ Ngoại Giao) nhằm thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết; đồng thời cung cấp thông tin cho Công an tỉnh, BCH Biên phòng tỉnh để củng cố hồ sơ xử lý nghiêm trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ: Tiến hành thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản của tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt; Công khai trên phương tiện truyền thông về tàu khai thác bất hợp pháp (IUU).

Về công tác Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và Quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống giám sát hành trình tàu cá: UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí trang bị thiết bị giám sát hành trình cho 2.966 tàu. Đến nay, 100% tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên của tỉnh hoạt động khai thác vùng khơi đã dược trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Chi cục Thủy sản trực hệ thống Trạm bờ 24/24 để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

Cảnh báo tàu cá qua hệ thống giám sát tàu cá và lực lượng chấp pháp trên biển: Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và cảnh báo 07 lượt tàu (05 tàu) vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam. Chi cục đã thông báo ngay cho chủ tàu, thuyền trưởng quay về vùng biển Việt Nam và không được vi phạm vùng biển nước ngoài; gửi danh sách đến UBND các xã, phường phối hợp với các Đồn Biên phòng, các đơn vị liên quan tổ chức làm việc, nhắc nhở, kiểm điểm thuyền trưởng tàu vi phạm, yêu cầu ký cam kết không tái phạm; gửi danh sách cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp xác minh, đề xuất xử lý từng trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời, đưa các tàu cá bị cảnh báo vào Danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để chỉ đạo các Ban Quản lý cảng cá, các Tổ IUU của Chi cục, các Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng trong tỉnh thực hiện kiểm tra 100% khi tàu xuất bến, về bến. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định gửi danh sách cho các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh khác, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam để đề nghị phối hợp chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những tàu bị cảnh báo này.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, có 115 lượt/67 tàu mất kết nối trên biển: Chi cục Thủy sản đã phối hợp với cán bộ đầu mối của UBND huyện, thị xã, thành phố thông báo ngay cho chủ tàu hoặc người nhà chủ tàu qua điện thoại và yêu cầu chủ tàu hoặc người nhà chủ tàu kiểm tra, liên lạc với tàu cá yêu cầu bật thiết bị hoạt động, đồng thời điện báo cho đơn vị cung cấp thiết bị để kiểm tra, xác minh cụ thể lý do mất kết nối của thiết bị được lắp trên tàu cá đó.

Liên kết chuỗi khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương

Tỉnh đã quyết định chọn Doanh nghiệp thu mua là Công ty TNHH Thực phẫm Mãi Tín Bình Định làm chủ trì liên kết. Theo đó, Công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn Bình Định viết Dự án Chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương. Ngày 28/01/2021, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn và Công ty Mãi Tín làm việc với 30 chủ tàu cá tham gia chuỗi khai thác cá ngừ. Hiện tại, Công ty Mãi Tín đã ký hợp đồng thu mua cá ngừ đại dương với hai đại lý thu mua và 30 chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương tại huyện Hoài Nhơn. Các tàu cá sau khi ký hợp đồng, đã khai thác các chuyến biển đầu năm 2021, về bán cá cho Công ty Mãi Tín và được mua với giá cá ngừ đại dương cao hơn mức giá sàn đối với cả hai loại sản phẩm A, B.

Bước sang tháng đầu tiên của Quý 2

Tháng 4/2021, tỉnh Bình Định sẽ tập trung quản lý hoạt động khai thác thủy sản thông qua việc triển khai kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các tàu cá (đảm bảo đủ trang thiết bị thông tin); Kiểm tra các trang thiết bị an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển; Theo dõi tình hình sản lượng khai thác thủy sản (trong đó chú ý đến các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP); Tiếp tục thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg; Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là thực hiện tốt phòng trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tiếp tục củng cố các mô hình đồng quản lý trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các tàu cá thiếu giấy phép khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn làm các thủ tục liên quan. Trường hợp tàu cá bị giải bản, hư hỏng không thể khắc phục, sẽ được tiến hành hướng dẫn làm các thủ tục liên quan để xóa đăng ký tàu cá theo quy định. Tổ chức trực hệ thống Trạm bờ giám sát hành trình 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin về dữ liệu giám sát hành trình, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực khai thác thủy sản: Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định sẽ xây dựng “Kế hoạch triển khai Luật Thủy sản 2017 và Chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định năm 2021” trình Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt; Đồng thời, tiến hành làm việc với các chủ tàu và thuyền trưởng các tàu bị cảnh báo, mất kết nối để củng cố hồ sơ, đề xuất hình thức xử phạt. Đặc biệt, xử lý nghiêm những trường hợp tàu cá cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài; Công khai thông tin tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác