Lâm Đồng: Đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng cá nước lạnh đạt khoảng 6.000 tấn (17-11-2020)

Theo kế hoạch của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng (PTCNL), đến năm 2025 phấn đấu sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 3500 tấn, đến năm 2030, tổng sản lượng cá nước lạnh đạt khoảng 6.000 tấn chiếm khoảng 70% sản lượng cá nước lạnh của cả nước.
Lâm Đồng: Đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng cá nước lạnh đạt khoảng 6.000 tấn
Ảnh minh họa

Lâm Đồng là một tỉnh nam Tây nguyên có nhiều lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước cho sự phát triển các sản phẩm đặc thù, nhiệt độ trung bình giao động trong khoảng 18 – 240C, đây chính là điều kiện lý tưởng cho phát triển nuôi các đối tượng cá nước lạnh như: cá tầm, cá hồi... Từ năm 2010 sau nuôi thử nghiệm và phát triển sản xuất cá nước lạnh giai đoạn (2006-2010) đi vào ổn định, tỉnh Lâm Đồng đã đưa cá nước lạnh với 2 đối tượng chủ yếu là cá Tầm, cá hồi và các dòng thuỷ sản nước lạnh khác phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cho giai đoạn 2010- 2020, và đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển sản xuất thu hút các nhà đầu tư vào phát triển ngành cá nước lạnh ở những địa phương có lợi thế trong tỉnh.

Theo đó, trong những năm trở lại đây, sản lượng cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng đều qua từng năm, từ 950 tấn năm 2017 tăng lên 1.250 tấn trong năm 2019. Năm 2020, sản lượng cá tầm và cá hồi tỉnh Lâm Đồng ước đạt 1.300 tấn, bằng 93% kế hoạch năm 2020. Bình quân doanh thu trên một đơn vị diện tích nuôi cá nước lạnh giao động khoảng  3,0- 3,5 tỷ đồng/1ha.

Theo báo cáo của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng (PTCNL), tổng số vốn đầu tư trực tiếp của tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức nuôi cá nước lạnh vào Lâm Đồng khoảng 800 tỷ đồng cho nuôi cá tầm suối, chưa kể đầu tư nuôi lồng, bè hồ chứa, và các công trình sinh sản nhân tạo giống cá tầm các loại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát triển nuôi cá nước lạnh với nhiều hình thức nuôi phong phú, đa dạng như: nuôi nước chảy trong ao, hồ, bể xây, hay bể composite có mái che …, Diện tích đất phát triển cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng năm 2020 là 281 ha, trong đó diện tích nuôi cá bằng hình thức nuôi nước chảy là 62,7 ha, tăng 12,7 ha so với giai đoạn (2015- 2020) .

Ngoài ra, hình thức nuôi cá nước lạnh lồng bè trên các thuỷ vực hồ chứa nước thuỷ điện, thuỷ lợi cũng đã được người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có gần 750 lồng bè nuôi cá tầm các loại. Đây là số lồng bè được đầu tư lắp đặt theo công nghệ kỷ thuật cao đã thay thế toàn bộ số lồng bè cũ được đầu tư từ những năm trước đây.

Việc phát triển diện tích nuôi kéo theo như cầu về giống cá nước lạnh nói chung và cá tầm, cá hồi nói riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2017 đến nay ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2017 nhu cầu về giống cá tầm, cá hồi cho sản xuất khoảng 1,3 triệu con giống và đến năm 2020 nhu cầu giống cá tầm và cá hồi cho sản xuất tăng lên khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu giống con giống. Hiện nay nguồn giống chủ yếu ngoại nhập bằng trứng điểm mắt về ấp nở và ương nuôi trên địa bàn Lâm Đồng có nguồn gốc từ CHLB Nga, CHLB Đức, Trung Quốc. Một số đơn vị trong nước đã nghiên cứu cho sản nhân tạo trứng cá tầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đàn cá bố mẹ chưa được đầu tư cơ bản, muốn đáp ứng được giống tự sản xuất cần một khối lượng cá bố mẹ nuôi lưu giữ trong các trang trại phải đủ lớn, hiện nay chưa đáp ứng được vấn đề đó, giá thành giống cho sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Một trong những giải pháp phát triển nuôi cá nước lạnh bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đông hiện nay là đã xây dựng được chuỗi liên kết khép kín trong sản xuất từ khâu nhập, sản xuất, điều tiết cung ứng giống cho các trang trại nuôi, định hướng cho sản xuất và cung ứng thức ăn chất lượng cao, và đặc biệt là Hiệp hội PTCNL Lâm Đồng đã đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh cho các doanh nghiệp trang trại nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, thương hiệu cho sản phẩm cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) của tỉnh Lâm Đồng đã được đăng ký nhãn hiệu hàng. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng thương hiệu hàng hóa cho dòng sản phầm cá tầm, cá hồi, giúp nâng cao giá trị và tạo thương hiệu uy tín cho sản phẩm cá tầm và cá hồi trên thị trường.

Theo định hướng phát triển nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2021 – 2030), cụ thể giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt năng suất bình quân nuôi cá nước lạnh đối với ao hồ bể xây có mái che đạt 26- 30 tấn/ ha, tăng 5-7% so với năm 2020, năng suất cá tầm nuôi lồng bè trên hồ chứa nước là 30 kg/1m3.

Đến năm 2021 diện tích nuôi cá tầm tăng thêm 20 ha tập trung chủ yếu ở 2 Huyện Đam Rông, Lạc Dương đưa diện tích nuôi ở hình thức nuôi cá nước chảy đạt 85 ha. Và giai đoạn 2025 – 2030, phát triển diện tích nuôi nước chảy bao gồm: ao hồ, bể xây, composite... có mái che khai thác hết tiềm năng 200 ha và đi vào ổn định.

Theo kế hoạch, đến năm 2025 phấn đấu sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 3500 tấn, đến năm 2030, tổng sản lượng cá nước lạnh đạt khoảng 6.000 tấn chiếm khoảng 70% sản lượng cá nước lạnh của cả nước.

Một số giải pháp phát triển nuôi cá nước lạnh

Thứ nhất, giống được xem là giải pháp đầu tiên và hết sức quan trọng trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ khép kín của ngành nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cũng như cả nước, trong thời gian tới phải tăng cường phát triển các cơ sở nhân giống với quy mô và loại hình phát triển phù hợp với năng lực quản lý SX của từng DN; Sự kết hợp chặt chẻ giữa các nhà khoa học (Viện NTTS III,I) với các doanh nghiệp có quy mô nuôi lớn, Hạ tầng thuỷ sản đã được đầu tư xây dựng để tiến tới giai đoạn 2025 - 2030 tự chủ về con giống sản xuất trong nước, cung ứng giống cá nước nước lạnh các loại (chủ yếu là cá tầm) theo yêu cầu của các trang trại nuôi thương phẩm. Vì vậy muốn đáp ứng được nhu cầu con giống theo kế hoạch phát triển hàng năm và mỗi giai đoạn cần có sự chuẩn bị đầu tư đàn cá bố mẹ hàng năm nuôi lưu giữ trong ao nước chảy qua nhiều năm.

Thứ hai, trong thời gian tới các doanh nghiệp chế biến thức năm cần tiếp tục đổi mới thiết bị và công nghệ, điều chỉnh công thức thức ăn thông qua việc giám sát, khảo nghiệm chất lượng thức ăn, có sự điều chỉnh cần thiết nhằm cải thiện ngày càng tốt hơn về chất lượng và giá cả.

Thứ ba, cần áp dụng giải pháp về quản lý, khoa học kỹ thuật và sản xuất, ứng dụng công nghệ vào sinh sản giống cá nước lạnh để chủ động nguồn giống chất lượng cao. Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật sản xuất các trang trại, kể cả trang trại sản xuất giống nhằm giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm cá nước lạnh. Nâng cao thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác