Chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp (06-11-2020)

Ngày 19 tháng 10 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Theo đó đã quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp

Nghị định này không áp dụng đối với vi phạm hành chính về phí, lệ phí; vi phạm hành chính về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan quản lý thu và vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh. Nghị định áp dụng đối với 03 nhóm đối tượng là: Người nộp thuế; Công chức thuế, cơ quan thuế các cấp; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế, hóa đơn.

Vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác (tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Vi phạm hành chính về hóa đơn là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: (1) Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Trường hợp tổ chức/cá nhân đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế, nhưng tổ chức/cá nhân đó có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức/cá nhân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này. (2) Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Có 06 loại hình tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: (1) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn; (2) Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập; (3) Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; (4) Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam; (5) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; (6) Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

Việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn khi có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định tại Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 của Nghị định).

Các trường hợp vi phạm hành chính với số tiền thuế (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn) từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là “vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn”. Vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là “vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn”. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 01 năm; Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm.

Hai hình thức xử phạt chính: (1) Phạt cảnh cáo các hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn không nghiêm trọng; (2) Phạt tiền (tối đa không quá 100 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn; tối đa không quá 50 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn; tối đa không quá 200 triệu đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế; tối đa không quá 100 triệu đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế). Bên cạnh đó, phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế; Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định của Nghị định này.

Hình thức xử phạt bổ sung là: Đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn. Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước; Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau; Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin; Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn; Buộc lập hóa đơn theo quy định; Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in; Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn; Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh: Áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân. Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng đã được sử dụng để xác định khung tiền phạt thì không được sử dụng khi xác định số tiền phạt cụ thể. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt (nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt); nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết phải tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt (nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt).

05 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: (1) Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng; (2) Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực), trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chưa phát hiện sai sót của người nộp thuế trong việc khai, xác định số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng sau đó hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế bị phát hiện;

(3) Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện; (4) Không xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế; (5) Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.

Các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong các trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này và các trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Cá nhân vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã chết, mất tích; Tổ chức vi phạm hành chính đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều 41 Nghị định này); Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đáng chú ý là các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định (nếu có). Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp. Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020.

Người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022 nếu vi phạm quy định về hóa đơn điện tử thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính chưa được quy định tại Nghị định này được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng hành vi vi phạm đó kết thúc kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó.

Đối với các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã bị xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức còn khiếu nại, khởi kiện thì được giải quyết theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn và các quy định pháp luật liên quan có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác