Một số kết quả khai thác vụ cá Bắc năm 2019-2020 (25-06-2020)

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, tình hình thời tiết trên biển vụ cá Bắc từ tháng 10 năm 2019 đến hết tháng 3 năm 2020 diễn biến tương đối thuận lợi cho hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân. Nguồn lợi thủy sản, nhất là các đối tượng cá nổi nhỏ xuất hiện nhiều tại ngư trường thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ như: cá cơm, cá nục, cá chỉ vàng, ruốc, thu bè.  
Một số kết quả khai thác vụ cá Bắc năm 2019-2020
Ảnh minh họa

Một số kết quả về công tác chỉ đạo, điều hành

Do dịch cúm Covid - 19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ hải sản diễn biến bất lợi, khâu tiêu thụ và lưu thông trên nhiều thị trường bị gián đoạn, sản phẩm khai thác phục vụ nhà hàng và xuất khẩu bị giảm giá sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của bà con ngư dân. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của ngư dân cũng như hoạt động sản xuất trên biển.

Bên cạnh đó, đây là thời điểm triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật, trong đó nhiều quy định có yêu cầu cao hơn nhằm đổi mới phương thức quản lý nghề cá, nên khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, không đồng bộ giữa các địa phương. Cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam, kèm theo các khuyến nghị, vướng mắc trong thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vào thị trường EU tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.

Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, nhất là các lao động lành nghề, những lao động đã qua đào tạo. Nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển. Cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã được quy hoạch, nhưng nguồn lực để đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề cá. Tác phong, tập quán của ngư dân chậm thay đổi, không theo kịp với quá trình hiện đại hoá nghề khai thác thủy sản. Nguyên liệu thủy sản từ khai thác phục vụ chế biến, xuất khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, lĩnh vực khai thác thủy sản đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là tinh thần khắc phục khó khăn, bám biển sản xuất của bà con ngư dân, các doanh nghiệp cụ thể:

 

Ngày 12/9/2019, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã tổ chức họp với Bộ Quốc phòng, các Bộ ngành và các tỉnh trọng điểm bao gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang để triển khai ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Ngày 15/10/2019, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống khai thác IUU họp lần thứ hai tại Hà Nội, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm (tại Thông báo kết luận số 374/TB-VPCP ngày 23/10/2019 của Văn phòng Chính phủ), như: Đánh giá kết quả triển khai của các Bộ, Ban, Ngành và UBND các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện chống khai thác IUU theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo; nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm, chỉ rõ những yếu kém, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Tập trung thảo luận, thống nhất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết để gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; trong đó giao Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương thực hiện.

Ngày 11/12/2019, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống khai thác IUU họp lần thứ ba tại Hà Nội, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm về đánh giá kết quả của Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam lần thứ hai (từ ngày 4 đến 15/11/2019) kiểm tra tình hình chống khai thác IUU và đề xuất giải pháp trong thời gian tới (tại Thông báo kết luận số 447/TB-VPCP ngày 28/12/2019 của Văn phòng Chính phủ).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số: 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng, Thủ tướng giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thuỷ sản; đề xuất các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác; nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm chủ lực.

Thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Tổng cục thủy sản được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao làm chủ trì tham mưu xây dựng 02 Thông tư: 01 thông tư về sửa đổi Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT và 01 thông tư sửa các Thông tư về hướng dẫn thi hành Luật quy định về quản lý khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, Bộ cũng giao Tổng cục Thủy sản chủ trì tham mưu trình Bộ trình Chính phủ sửa đổi 02 Nghị định: 01 Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, 01 Nghị định thi hành Luật Thủy sản.

Về công tác chỉ đạo sản xuất, thường xuyên theo dõi và chỉ đạo hoạt động khai thác, tổ chức nhiều đoàn công tác tới các địa phương để nắm bắt tình hình kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các địa phương; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản tại địa phương. Tổ chức các đoàn công tác hướng dẫn, chỉ đạo địa phương thực hiện Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg và Quyết định số 78/QĐ-TTg. Ban hành Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS; Văn bản 4903/BNN-TCTS chỉ đạo UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với hải sản xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.

Tổng cục Thủy sản đã ban hành văn bản số 1230 /BNN-TCTS ngày 19/2/2020 gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, báo cáo số lượng tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên làm cơ sở điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi theo địa phương. Ban hành văn bản số 1006/BNN-TCTS ngày 12/02/2020 gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về chấn chỉnh công tác xác nhận chứng nhận tại địa phương. Chỉ đạo Viện Nghiên cứu Hải sản điều tra, nghiên cứu, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản, phát hành bản tin dự báo ngư trường hướng dẫn ngư dân sản xuất trên các ngư trường đạt hiệu quả. Chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển thực hiện các quy định về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

 

 

Ở các địa phương, trong vụ cá Bắc năm 2019-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển đã tham mưu cho UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo Chi cục thủy sản, các huyện, thị và ngư dân, tổ chức sắp xếp, bố trí tàu thuyền, lao động khai thác trên các ngư trường để nâng cao hiệu quả và năng suất khai thác, chủ động trong thực hiện chính sách và quản lý nghề cá tại địa phương. Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, diễn biến nguồn lợi trên các ngư trường, tình hình an ninh trật tự trên biển để kịp thời hướng dẫn ngư dân sản xuất an toàn và hiệu quả.

Tổ chức thực hiện các giải pháp để khắc phục “Thẻ vàng” của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Công điện số 732/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg và Quyết định số 78/QĐ-TTg; triển khai công tác quản lý tàu cá tại cảng cá, thực hiện chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác theo yêu cầu của EC. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách của nhà nước liên quan đến khai thác thủy sản cho bà con ngư dân, tuyên truyền, vận động ngư dân không sử dụng các nghề cấm khai thác, không khai thác sai vùng, sai tuyến, không xâm phạm vùng biển các nước để đánh bắt thủy sản trái phép.

Tiếp tục duy trì phát triển các tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất trên biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất cũng như giảm thiểu các tai nạn rủi ro trên biển. Tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, quy định trong quản lý nghề cá tại địa phương. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP và Nghị định 67/2014/NĐ-CP

Kết quả sản xuất

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2019 -2020 đạt 1.633 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ vụ cá Bắc 2018-2019 (trong đó, giai đoạn từ tháng 10 – đến hết tháng 12-2019 tăng 5.9%, giai đoạn từ tháng 1 đến hết tháng 3/2020 tăng 2%), trong đó khai thác hải sản là 1.491 nghìn tấn (tăng 3% so với cùng kỳ vụ cá Bắc 2018-2019); khai thác nội địa là 82 nghìn tấn (giảm 1,2 % so với cùng kỳ vụ cá Bắc 2018-2019).

Tính riêng tháng 4/2020, sản lượng khai thác đạt 339,5 nghìn tấn, giảm 1,9% so với tháng 4/2019. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng đạt 1,18 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, khai thác biển đạt 1,13 triệu tấn, tăng 0,8%.

Năm 2019, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt khoảng 220.0460 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,2 tỷ USD, giảm 2,5% so với năm 2018, trong đó xuất khẩu hải sản đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2018, chiếm 35% trong tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu.

Các sản phẩm hải sản đóng góp tỷ trọng xuất khẩu chính trong nhóm tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2018 lần lượt như sau: Mực và bạch tuôc (23%), cá ngừ (22%), cua ghẹ (4%), nhiễm thể hai mảng vỏ (3%) và cá biển khác (48%).

Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối của Vụ cá bắc 2019 – 2020, bức tranh xuất khẩu có diễn biến xấu, xuất khẩu hải sản đạt 658,6 triệu usd, giảm 9,7% so với cũng kỳ.

Về điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản: Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng, nhiều loài hải sản kinh tế hiện nay bắt gặp với tần suất thấp nhất là nhóm các loài hải sản tầng đáy (từ 5,07 triệu tấn giai đoạn 2000-2005 xuống 4,36 triệu tấn giai đoạn 2011-2015). Tuy nhiên, vụ cá Bắc 2019-2020, các đối tượng cá nổi nhỏ xuất hiện nhiều tại ngư trường thuộc các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ như: cá cơm, cá nục, cá chỉ vàng, ruốc, thu bè. Theo đánh giá trữ lượng cá nổi nhỏ năm 2017 thì trữ lượng cá nổi nhỏ trên các vùng biển Việt Nam vào khoảng 2,452 triệu tấn giảm gần 20% so với năm 2012.

Trong vụ cá Bắc 2019-2020, Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân về các thông tin dự báo ngư trường khai thác hải sản thông qua các lớp tập huấn, cấp phát tại cảng cá, chi cục, đài thông tin duyên hải,...Việc đưa bản tin dự báo ngư trường đến với ngư dân đã tạo được sự thuận lợi trong việc tìm kiếm ngư trường đánh bắt, nâng cao hiệu quả, giảm bớt chi phí chuyển biển cho ngư dân.

Tuy nhiên, với biến đổi khó lường của thời tiết và nguồn lợi thủy sản, do đó bản tin dự báo cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao độ chính xác tạo sự tin tưởng đối với ngư dân biết, sử dụng.

Công tác quản lý tàu cá và cấp phép khai thác thủy sản

Hiện, số lượng tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên khai thác hải sản phải có giấy phép là 96.561 tàu. Trong đó, tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 37.810 tàu cá, có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 18.900 và 30.560 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

Theo Luật Thủy sản 2017, công tác quản lý cấp phép cho tàu có chiều dài dưới 15m thực hiện theo cơ chế đặc thù và quyết định của UBND cấp tỉnh ban hành. Tàu có chiều dài từ 15m trở lên do Bộ quản lý, phân bổ hạn ngạch. Theo báo cáo, các địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác quản lý và cấp phép cho khối tàu khai thác vùng khơi do Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất quản lý. Các địa phương làm tốt công tác này như Nghệ An 100%, Bình Định 95,4%..., các tỉnh chưa làm tốt công tác cấp phép (dưới 50% số tàu đang hoạt động được cấp phép) là 31,3%, Quảng Ninh là 46%, Hà Tĩnh 48% ... Một số tỉnh có lượng tàu cá tăng đột biến so với hạn ngạch giấy phép là Quảng Bình, Phú Yên, Ninh Thuận.

Công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá

Đến nay, trên toàn quốc có 82 cảng cá đang hoạt động, đạt 65% so với quy hoạch, trong đó có 25 cảng cá loại I (20 cảng loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão); có 57 cảng cá loại II (có 35 cảng cá loại II kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng). Tổng số lượng hàng hóa qua cảng thiết kế/năm khoảng 1,8 triệu tấn, 9.298 lượt tàu/ngày, 9 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000CV và 02 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000CV cập cảng.

Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động, tránh trú bão trong mùa mưa bảo, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 1096/BNN-TCTS ngày 20/02/2019 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị rà soát, báo cáo các khu neo đậu tránh trú bão tại địa phương để Cống bố các khu neo đậu tránh trú bão năm 2019.

Công tác chế biến, tiêu thụ thủy sản

Ngành chế biến thủy sản hiện nay đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay cả nước có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác; có 3000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, phile, đồ hộp,...

Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 170 thị trường trên thế giới với đầy đủ các chủng loại sản phẩm hết sức phong phú như: thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp, trong đó nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao đáp ứng được những thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản,...

Xuất khẩu thủy sản liên tục duy trì tăng trưởng trong những năm qua, trung bình hàng năm gần 8%. Trong đó xuất khẩu hải sản chiếm từ 29-33% tổng xuất khẩu thủy sản hàng năm của Việt Nam.

Vụ cá Bắc cuối năm 2019 đầu năm 2020 là vụ cá ghi nhận sản phẩm xuất khẩu các sản phẩm khai thác vào thị trường liên tục giảm là EU, nhưng vào các thị trường khác lại tăng mạnh (xuất khẩu vào EU năm 2019 giảm 11,9%, tuy nhiên xuất khẩu toàn ngành khai thác tăng 7,5%).  

Ngoài định hướng chế biến, tiêu thụ xuất khẩu những năm gần đây nhu cầu chế biến, tiêu thụ nội địa tăng mạnh, các sản phẩm thủy hải sản đã được thị trường trong nước tiêu thị mạnh mẽ, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu thực phẩm “sạch” trong nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cho người dân.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác