Việt Nam cải thiện nghề câu cá Ngừ vây vàng - hướng tới Chứng nhận MSC (23-12-2019)

Sáng 12/12/2019, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Cải thiện nghề câu vàng và câu tay cá Ngừ vây vàng” với mục đích đánh giá tiến độ của Dự án “Cải thiện nghề câu vàng và câu tay cá Ngừ vây vàng” (FIP) và sự phù hợp với Tiêu chuẩn chứng nhận MSC.
Việt Nam cải thiện nghề câu cá Ngừ vây vàng - hướng tới Chứng nhận MSC

MSC được WWF Việt Nam nhận định là một chứng nhận tự nguyện nhưng được thị trường EU và Mỹ ưu tiên, do đáp ứng được 03 nguyên tắc: (1) Khai thác không làm ảnh hưởng đến quần thể nguồn lợi thủy sản; (2) Không gây tác động đến hệ sinh thái (sinh cảnh và các loài bị khai thác không chủ ý); (3) Hệ thống quản lý nghề cá tốt, đảm bảo nghề khai thác sẽ hoạt động lâu dài, tuân thủ các quy định của quốc tế và quốc gia.

Bối cảnh ra đời của Dự án FIP

Dự án “Cải thiện nghề câu vàng và câu tay cá Ngừ vây vàng” (FIP) ra đời trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước xuất khẩu thủy sản và yêu cầu của thị trường về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được khai thác bền vững, có trách nhiệm với môi trường; Sự ưu tiên đối với các sản phẩm có chứng nhận Nhãn sinh thái; Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mong muốn đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm duy trì thị phần trên trường quốc tế; Việt Nam mong muốn đáp ứng các yêu cầu quốc tế và Tổ chức quản lý nghề cá khu vực (Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương - WCPFC). Nhưng trên hết, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu: Nghề cá bền vững, bảo tồn các loài quý hiếm trong quá trình khai thác thuỷ sản.

Đánh giá tiến độ Dự án FIP

Dự án “Cải thiện nghề câu vàng và câu tay cá Ngừ vây vàng” được WWF Việt Nam bắt đầu triển khai từ tháng 01 năm 2014 với mục tiêu hỗ trợ nghề câu cá Ngừ vây vàng của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Tiêu chuẩn MSC. Ngày 12/12/2019, Dự án đã tham gia tổ chức Hội thảo thường niên nhằm đánh giá tiến độ dự án và sự phù hợp với Tiêu chuẩn chứng nhận MSC.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên của các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản (Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế; Vụ Khai thác thủy sản; Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Pháp chế Thanh tra; Trung tâm Thông tin thủy sản). Cùng đến tham dự còn có Viện Nghiên cứu Hải sản; Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản; Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (Vina Tuna); Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Đại diện Chi cục Thủy sản các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Đại diện các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu cá ngừ; Chuyên gia quốc tế về thủy sản, nuôi trồng thủy sản và môi trường nước; Điều phối viên Chương trình Biển của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam). Và đặc biệt có sự tham dự của ông Richard Banks - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Nguồn lợi thủy sản Poseidon.

Dự án FIP có tất cả 03 nhóm đối tác: (1) Nhóm các cơ quan quản lý nhà nước gồm: Tổng cục Thuỷ sản; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà; (2) Nhóm doanh nghiệp, gồm: Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (Vina Tuna); Các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu cá ngừ ở Việt Nam; Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu mặt hàng cá ngừ đại dương của Việt Nam; (3) Tổ chức phi chính phủ: WWF.

Dự án FIP đã sử dụng các nguyên tắc của chứng nhận MSC cải thiện nghề cá. Nguyên tắc 1: Việt Nam và WCPFC (các điểm tham chiếu, chiến lược và quy định khai thác); Nguyên tắc 2: Giảm ảnh hưởng đến các loài bị khai thác không chủ ý (như: rùa biển, cá mập); Nguyên tắc 3: Hệ thống quản lý nghề cá ngừ của Việt Nam. Tại hội thảo, Tổng cục Thủy sản và WWF đã cùng nhau rà soát tiến độ các mốc hành động thuộc Nguyên tắc 1, 2, 3.

Những chuyển biến tích cực ở Việt Nam

Năm 2019, WWF Việt Nam và Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (Vina Tuna) đã phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm giảm khai thác không chủ đích: Tặng 25.000 lưỡi câu vòng cho ngư dân; Sử dụng các poster tuyên truyền về bảo vệ rùa biển và cá mập, 03 video tuyên truyền ngắn về hiệu quả của lưỡi câu vòng trong việc bảo vệ rùa biển; Tổ chức 03 lớp tập huấn ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà cho ngư dân về hiệu quả của lưỡi câu vòng và việc bảo vệ các loài quy hiếm; 15 tàu được chọn để ghi Nhật ký khai thác.

Đối với việc truy xuất nguồn gốc cá ngừ: Đã có 21 doanh nghiệp tham gia “FIP code” và 13 doanh nghiệp được đánh giá toàn diện vào tháng 6/2019, kết quả và kiến nghị cũng đã được gửi cho từng nhà máy; Bên cạnh đó, còn hỗ trợ thiết kế phần mềm COPPA (nhật ký khai thác điện tử). Về phía Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cử người tham gia các phiên họp của WCPFC; Triển khai dự án WPEA II (của WCPFC); Tổ chức tập huấn (tuy nhiên, chưa bao gồm nghề câu).

Hiện tại, Việt Nam đã có Luật Thuỷ sản 2017 được ban hành và có hiệu lực, đã xác định mục tiêu nghề cá bền vững tiếp cận thận trọng dựa vào hệ sinh thái; Đã ban hành Nghị đinh 26 với Danh sách cập nhật các loài quý hiếm, được bảo vệ; Kế hoạch quốc gia về quản lý nghề cá ngừ được sửa đổi, cập nhật; Sơ thảo Chiến lược giảm thiểu ảnh hưởng của nghề câu lên rùa biển và cá mập; Bản thảo Kế hoạch hành động cá mập được sửa đổi, cập nhật; Quy định giới hạn cường lực (số tàu ở các tỉnh); Kế hoạch thí điểm phân bổ hạn ngạch khai thác cá ngừ…

So với lần đánh giá trước (tháng 12/2016), WWF nhận định ngành Thủy sản Việt Nam đã thay đổi rõ rệt và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như trên.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác